Hoạt động của ngành

Du lịch Việt Nam hướng đến phát triển xanh, bền vững cho tương lai

Cập nhật: 12/04/2025 10:19:39
Số lần đọc: 34
(TITC) - Ngày 11/4, tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Phát triển điểm đến xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy tham dự Diễn đàn. Ảnh: TITC

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm, thúc đẩy giao lưu văn hóa, là phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia. Trong bối cảnh mới, chuyển đổi xanh trong du lịch là xu hướng để phát triển bền vững, có trách nhiệm.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu khai mạc. Ảnh: TITC

Diễn đàn Phát triển điểm đến xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam là hoạt động nhằm lan tỏa nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hành động thực tế trong quá trình chuyển đổi xanh của ngành Du lịch Việt Nam. Diễn đàn cùng nhau lắng nghe và thảo luận về xu hướng chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế và du lịch; từ Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đến Chương trình Phát triển điểm đến xanh của du lịch Việt Nam; thực hành thí điểm Chương trình chuyển đổi xanh theo các tiêu chí Du lịch xanh; vai trò của truyền thông đối với Chương trình Phát triển điểm đến xanh của du lịch Việt Nam; kinh nghiệm thực tiễn về chuyển đổi xanh của một số điểm đến, doanh nghiệp du lịch…

Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Patrick Haverman phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TITC

Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Patrick Haverman nhận định, năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam là một động lực kinh tế mạnh mẽ, đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tạo ra tổng thu ấn tượng với 840 nghìn tỷ đồng. Đây là minh chứng cho thấy tiềm năng to lớn của toàn ngành.

Những tác động tích cực từ du lịch lan tỏa sâu rộng, không chỉ tạo ra những cơ hội việc làm mới mẻ mà còn thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế địa phương, thổi bừng sức sống cho các cộng đồng trên khắp cả nước. Trọng tâm của là đảm bảo sự tăng trưởng không chỉ về số lượng mà còn đảm bảo du lịch phát triển bền vững, xanh, thân thiện với môi trường và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Toàn cảnh chương trình. Ảnh: TITC

Đối với Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch tại Việt Nam”, ông Patrick Haverman cho biết, đây là dự án đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy cho các doanh nghiệp du lịch hướng tới một tương lai không rác thải nhựa. Tầm nhìn của UNDP về các điểm đến xanh không chỉ giới hạn ở các nỗ lực bảo tồn của cộng đồng tại các khu vực biển và khu bảo tồn mà còn ở vai trò quan trọng của giao thông xanh. Thông qua việc thúc đẩy mô hình chia sẻ giao thông xanh và nâng cao nhận thức trong cộng đồng địa phương, UNDP đang từng bước kiến tạo nền tảng cho một hệ sinh thái du lịch xanh thực sự bền vững.

UNDP Việt Nam cam kết sát cánh cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và tất cả các đối tác trên hành trình chuyển đổi mang tính bước ngoặt này, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, tạo lá chắn vững chắc bảo vệ di sản thiên nhiên vô giá của Việt Nam cho thế hệ mai sau trong quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đánh giá cao Diễn đàn ngày hôm nay đã được tổ chức đúng thời điểm, đúng trọng tâm, trọng điểm, là một trong những sự kiện điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động của Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2025.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TITC

Thông qua chương trình, các đại biểu, khách mời, chuyên gia, nhà kinh doanh, doanh nghiệp du lịch đã có cơ hội cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, vấn đề trong phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững. Diễn đàn đã hỗ trợ tích cực để tạo ra một nền tảng bền vững cho phát triển du lịch trong những năm tới, đảm bảo sự cân bằng của môi trường và mục tiêu tăng trường ngành Du lịch. Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, xanh hóa các hoạt động kinh doanh như không sử dụng túi nilon, đồ dùng một lần, hạn chế rác thải nhựa…

Để xây dựng, phát triển các điểm đến du lịch xanh, bền vững, cần có sự chung tay giữa cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy đề nghị, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động chuyển đổi xanh trong du lịch; tiếp tục xây dựng bộ tiêu chí du lịch xanh và xúc tiến quảng bá các nội dung trong đó ở trong nước và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ xanh trong chuyển đổi số. Đồng thời hy vọng, các đối tác quốc tế tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với Việt Nam trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xanh, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức định hướng cho các doanh nghiệp để thực hiện tốt các nội dung trên.

Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra hai phiên thảo luận gồm: Phiên I: Điểm đến xanh và mục tiêu tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững; Phiên II: Tọa đàm về thực hành phát triển Điểm đến xanh tại Việt Nam.

GS.TS. NGND Nguyễn Văn Đính - Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch chia sẻ. Ảnh: TITC

GS.TS. NGND Nguyễn Văn Đính - Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) đã chia sẻ về xu hướng chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Chuyển đổi xanh về kinh tế và chuyển đổi xanh trong du lịch hướng đến phát triển kinh tế mà không gây hại đến hệ sinh thái, thúc đẩy tăng trưởng thông qua các mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường; đồng thời thay đổi ngành du lịch theo hướng bền vững hơn, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài. Các xu hướng chuyển đổi xanh trong du lịch hiện nay gồm có: du lịch bền vững và sinh thái, ứng dụng năng lượng tái tạo, phát triển giao thông xanh, kinh tế tuần hoàn trong du lịch, trách nhiệm xã hội và văn hóa địa phương, công nghệ xanh trong du lịch.

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: TITC

Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, báo chí và truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các điểm đến xanh trong du lịch cũng như quảng bá hình ảnh các điểm đến xanh tới du khách trong nước và quốc tế. Những chiến dịch truyền thông sáng tạo như “Nói không với rác thải nhựa”, “Du lịch không carbon”, “Một chuyến đi - Một cây xanh” đã và đang được nhiều cơ quan báo chí và đài truyền hình triển khai thành công, góp phần lan tỏa thông điệp du lịch xanh sâu rộng trong cộng đồng. Có thể thấy, việc báo chí đồng hành tích cực sẽ góp phần giúp lan tỏa, nâng tầm các điểm đến xanh, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện và bền vững trên bản đồ thế giới.

Phiên thảo luận. Ảnh: TTIC

Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi xanh, đại diện Luxury Travel cho biết, hiện nay khách du lịch có xu hướng ưu tiên các sản phẩm du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp định hướng thị trường, hướng tới các mục tiêu bền vững thông qua việc thực hiện những tiêu chí cụ thể trong chuẩn hóa quy trình nội bộ, kết nối đối tác. Cùng với đó, việc đặt yếu tố con người, văn hoá và môi trường vào trung tâm của hành trình trải nghiệm sẽ giúp ngành Du lịch tạo ra giá trị lâu dài cho cả cộng đồng địa phương và du khách. Các yếu tố then chốt được đặt ra cho chuyển đổi xanh hiệu quả bao gồm: tư duy chiến lược từ lãnh đạo, thiết lập chuỗi cung ứng đồng hành du lịch xanh và giáo dục thị trường.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 11/4/2025

Cùng chuyên mục