Non nước Việt Nam

Bắc Kạn: Đa dạng ẩm thực từ quả trám đen

Cập nhật: 11/10/2023 09:28:57
Số lần đọc: 822
Vỏ đen, thịt hồng, ăn vào bùi ngậy… đó là những đặc điểm của quả trám đen, một loại nông sản quen thuộc của người dân Bắc Kạn, ưu điểm của loại quả này là có thể chế biến với nhiều loại thực phẩm thành nhiều loại món ăn khác nhau. Đây còn là cây trồng mở ra nhiều triển vọng trong cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.


Vườn trám đen của anh Bàn Văn Chiến ở tổ 2, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn).

Món ngon từ trám

Thời vụ của quả trám đen bắt đầu từ tháng 9 tháng 10 Dương lịch, quả thường có bán ở các chợ phiên, tuy nhiên do thời vụ ngắn, số lượng trám có hạn nên hái đến đâu là người dân bán hết đến đó. Năm nay, quả trám đen mất mùa nên ở các chợ số lượng bày bán không nhiều, giá khá cao. Trám đen có 2 loại, trám nếp và trám tẻ, trong đó trám nếp là loại được nhiều người yêu thích nhất bởi ăn có độ bùi ngậy, mềm, thơm, màu sắc thịt hồng, còn trám tẻ thì thịt quả hơi cứng, màu nhạt hơn so với trám nếp.

Trám đen bây giờ đã trở thành đặc sản, là món ăn ẩm thực rất thích hợp trong tiết trời se lạnh của ngày thu đông. Từ quả trám, nhiều người dùng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, cụ thể như món xôi trám, trám đen kho cá, trám xào thịt ba chỉ… Để chế biến thành nhiều món ăn, trám cần phải được rửa sạch, vớt ra rồi làm chín bằng nước ấm nhiệt độ từ 600-700 độ C trong thời gian 1 -2 giờ, khi quả mềm thì tách đôi, bỏ hạt, cho gia vị vào. Sau khi bỏ hạt, có thể chế biến ăn ngay hoặc phơi qua một nắng để cho trám se lại rồi chế biến món ăn yêu thích. Thông thường thời vụ trám đen ngắn nên muốn để lâu dài, có thể đóng túi, hút chân không, bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh để ăn dần.

Triển vọng từ phát triển cây trám đen

Tỉnh Bắc Kạn có nhiều diện tích trám đen nhưng chưa có con số thống kê, người dân chủ yếu trồng phân tán, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng hàng hóa. Hiện trám được trồng nhiều ở các huyện như: Bạch Thông, Chợ Mới, Ngân Sơn, thành phố Bắc Kạn.

Nhằm đưa cây trám trở thành cây đặc sản của địa phương, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/04/2022 của HĐND tỉnh đã đưa cây trám vào cơ cấu cây trồng lâm nghiệp đa mục đích, có chính sách hỗ trợ khuyến khích các địa phương đăng ký thực hiện nhằm tạo ra vùng hàng hóa có giá trị kinh tế. Ngoài ra, nhiều hộ dân nhận thấy giá trị kinh tế từ cây trám đã tự nhân giống về trồng, điển hình như anh Bàn Văn Chiến, tổ 2, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn), hiện anh đã phát triển được hơn 300 gốc trám ghép. Cây trám ghép nhanh cho thu hoạch quả, chỉ sau 3-4 năm trồng, trong khi trám thường sau 7-8 năm mới bói quả. Hơn nữa, cây ghép có bộ khung tán thấp hơn trám thường nên thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh. Năm nay là năm thứ 2 vườn trám đen nhà anh Chiến cho quả, tuy số lượng chưa nhiều nhưng cũng mở ra triển vọng trong việc gia tăng nguồn thu nhập cho gia đình anh.

Trám đen không chỉ cho quả mà còn là cây lấy gỗ, phù hợp với điều kiện khí hậu các tỉnh miền núi phía Bắc, cây cho giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc. Nếu bà con biết tận dụng tiềm năng, tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chắc chắn sẽ tạo ra nguồn thu nhập khá từ loại cây trồng này.

Thu Trang

Nguồn: Báo Bắc Kạn - baobackan.com.vn - Đăng ngày 10/10/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT