Non nước Việt Nam

Giò chả Ước Lễ được ''chắp cánh'' bay xa

Cập nhật: 12/10/2023 09:20:11
Số lần đọc: 1088
Làng nghề làm giò chả Ước Lễ, thuộc xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội), có truyền thống hơn 500 năm. Món ngon này đã trở nên không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt.

Với bí kíp riêng, giò chả Ước Lễ có vị thơm ngon đặc trưng, khó đâu sánh kịp. Tháng 7 vừa qua, được cấp nhãn hiệu tập thể, sản phẩm trứ danh này dường như được "chắp thêm cánh" để thương hiệu, hương vị bay xa hơn.

Giò chả Ước Lễ vẫn được người làng nghề gói bằng lá chuối, ngon và tinh tế.

Làng nghề 500 tuổi

Đến Ước Lễ trong tiết thu dịu mát, chúng tôi được cảm nhận không gian thanh bình của làng nghề trù phú. Ước Lễ nay không rộn ràng tiếng chày giã xưa kia nhưng không khí luôn bận rộn.

Ông Nguyễn Đức Bình - một trong những nghệ nhân làng nghề chia sẻ: Hiện, Ước Lễ không còn mấy hộ làm nhưng nghề không vì thế mà mai một. Người dân Ước Lễ sống ở đâu, mang theo nghề đến đó. Khắp mọi miền, giò chả Ước Lễ vẫn là món ngon được nhiều người chọn bày trên mâm cỗ truyền thống.

Độc, lạ, nét tinh tế của giò chả Ước Lễ là kén nguyên liệu. Việc chọn thịt lợn, lấy phần thịt nào, tỷ lệ ra sao đều có công thức gia truyền. Người dân làng nghề nói, thịt nguyên liệu phải đủ “âm - dương”: Phần thịt màu đỏ là dương và phần thịt nhạt màu là âm. Người làm nghề phải biết cân đối âm - dương thì mới tạo ra thành phẩm giòn, dẻo, đẹp và ngon được...

Người làng Ước Lễ tổ chức lễ hội tái hiện nghề giò chả theo phương thức thủ công.

Với những “bí kíp” riêng, giò chả Ước Lễ có hương vị tinh tế, thơm ngon, khác hẳn sản phẩm của các làng cùng nghề.

Theo ông Hoàng Xuân Toàn - thợ làm giò chả có tiếng tại Ước Lễ, trước kia giã giò bằng tay, người làng lưu giữ bí quyết giã thịt sao cho dẻo quánh đến mức không dính chày mới coi là đạt. Hiện nay, người làm nghề chuyển sang xay thịt bằng máy, sức lao động được giải phóng nhưng vẫn giữ cách làm truyền thống là gói bằng lá chuối để giò thơm ngon, dậy mùi đặc trưng.

Dù thay đổi phương thức làm, ông Toàn cho biết, nguyên lý "bất di bất dịch" là nhiệt độ trong máy xay không lớn hơn thân nhiệt lợn nguyên liệu. Bên cạnh đó, thành phần ngũ vị cũng rất quan trọng: Nước mắm, mật, đường, gia vị, muối cân bằng theo tỷ lệ. Khoanh giò làm ra mang sắc hồng phớt nhẹ, lỗ tròn nhỏ trên bề mặt lát cắt, dậy hương...

Theo thống kê của UBND xã Tân Ước, hiện trong làng Ước Lễ chỉ còn hơn chục hộ làm nghề, đa phần làm bằng máy. Để lưu giữ tinh hoa nghề, xã Tân Ước tổ chức lễ hội làng nghề văn hóa ẩm thực giò chả Ước Lễ vào dịp cuối năm để truyền nghề, "thổi lửa nghề" cho thế hệ sau.

Chủ tịch UBND xã Tân Ước Nguyễn Anh Minh cho biết, lễ hội mới được tổ chức một vài năm gần đây, nhằm giới thiệu không gian văn hóa làng nghề, quảng bá sản phẩm và quy trình làm nghề. Đặc biệt, lễ hội tái hiện quy trình giã giò truyền thống bằng cối đá, đắp ống chả thảo quế nặng 180kg... Dự tính, xã sẽ kiến nghị duy trì lễ hội như hoạt động thường niên của làng nghề.

Giám đốc Hợp tác xã giò chả Ước Lễ Nguyễn Thị Loan chia sẻ, lễ hội cũng là dịp để người dân làng nghề trao truyền bí kíp, đồng thời thể hiện nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của Ước Lễ, tôn vinh giá trị làng nghề.

Chả quế - hương vị đặc trưng của làng nghề giò chả Ước Lễ.

"Chắp cánh" bay xa

Dù làng nghề giò chả Ước Lễ có tới hơn 500 năm tuổi, song gần đây, sản phẩm làng nghề mới được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Đây thực sự là niềm vui lớn của người dân làng nghề Ước Lễ. Lâu nay, thương hiệu giò chả Ước Lễ hầu như mới "hữu xạ tự nhiên hương". Nhãn hiệu tập thể sẽ giúp sản phẩm làng nghề có vị thế mới, cũng như thêm một lần khẳng định giá trị, tôn vinh sản phẩm giò chả Ước Lễ.

Giò chả Ước Lễ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể.

Chung niềm vui, nghệ nhân Hoàng Xuân Toàn tự hào chia sẻ: "Trước kia, dù chưa có nhãn hiệu nhưng rất nhiều người con của Ước Lễ đã thành công và phát triển nghề giò chả truyền thống trên mọi miền Tổ quốc. Chúng tôi coi việc gìn giữ uy tín, chất lượng, thương hiệu là trách nhiệm chung của từng người dân làng".

Ngay sau khi đón nhận nhãn hiệu tập thể, Hợp tác xã giò chả Ước Lễ sẽ phối hợp Hội Văn hóa ẩm thực giò chả Ước Lễ đưa địa danh làng nghề lên bản đồ du lịch làng nghề Việt Nam nhằm mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương, để làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Khách du lịch đến với Ước Lễ không chỉ được trải nghiệm sản xuất giò chả truyền thống tại các hộ làm nghề mà còn được tham quan những di tích gắn với làng nghề, như: Cổng làng, chợ quê, nhà cổ truyền thống...

Cổng làng Ước Lễ gắn liền với làng nghề giò chả có tuổi đời hơn 500 năm.

Để thúc đẩy kinh tế làng nghề, bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc, thương hiệu của giò chả Ước Lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết: Một trong những nhiệm vụ của Thanh Oai là bảo tồn các di tích gắn với làng nghề truyền thống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể quyện hoà với các di sản phi vật thể, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống tuyến du lịch trải nghiệm từ văn hóa đến ẩm thực nhằm tạo sức bật riêng...

Đặc biệt, để làng nghề giò chả Ước Lễ phát triển, Thanh Oai đã quy hoạch khu công nghiệp làng nghề tại Tân Ước với định hướng công nghiệp xanh. Tại đây, trung tâm giới thiệu sản phẩm, không gian văn hóa làng cổ sẽ được tái hiện để giò chả Ước Lễ ngày càng phát triển bền vững, tiếp nối dòng chảy nghề 500 năm tuổi.

Theo Quyết định số 56638/QĐ-SHTT, ngày 26-7-2023, cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 457381, nhãn hiệu Ước Lễ - làng nghề ẩm thực giò chả được trao cho Hợp tác xã Giò chả Ước Lễ, thôn Ước Lễ, xã Tân Ước với 24 thành viên. Nhãn hiệu có các màu xanh lá cây, xanh nõn chuối, trắng.

Đỗ Minh

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 11/10/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT