Hoạt động của ngành

Bắc Kạn: Phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

Cập nhật: 22/12/2021 05:04:42
Số lần đọc: 971
Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được chú trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Các di tích không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống, mà còn là "điểm đến" hấp dẫn với khách du lịch.  


Tính đến nay, toàn tỉnh có 120 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 02 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể và di tích An toàn khu (ATK) Chợ Đồn; 07 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 49 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 62 di tích đã được kiểm kê chưa xếp hạng.

Một góc điểm di tích Nà Pậu - nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối năm 1950 đến tháng 02/1951, tại xã Lương Bằng, thuộc ATK Chợ Đồn.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích luôn được gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, tỉnh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 08 di tích cấp quốc gia gồm: Di tích Đèo Giàng, xã Lãng Ngâm; địa điểm lưu niệm Bác Hồ ở Hoàng Phài, xã Cốc Đán (Ngân Sơn); di tích Nà Pậu, xã Lương Bằng; di tích Khuổi Linh, xã Nghĩa Tá; di tích Bản Ca, xã Bình Trung (Chợ Đồn); di tích động Nàng Tiên (Na Rì); đồn Phủ Thông (Bạch Thông); động Áng Toòng, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) với tổng kinh phí thực hiện hơn 26,3 tỷ đồng.

Công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhiều di tích đã được đưa vào khai thác, phục vụ du lịch hiệu quả như: Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; các di tích lịch sử Nà Tu, ATK Chợ Đồn... Nhìn chung, công tác bảo tồn, tu bổ di tích đã làm giá trị của di tích được bảo tồn, hình ảnh di tích trở nên hấp dẫn hơn với du khách và qua đó truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Bắc Kạn nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung. Di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể được khách du lịch trong nước và quốc tế biết tới ngày một nhiều hơn, trở thành nguồn nội lực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể: Số lượng di tích có giá trị du lịch được trùng tu, tôn tạo còn ít. Kinh phí trùng tu từ ngân sách rất hạn hẹp. Chưa huy động được nguồn lực từ xã hội hóa để thực hiện tôn tạo, tu bổ di tích. Một số di tích đã được tu bổ, tôn tạo nhưng chưa thể khai thác, phát huy giá trị phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh còn ít. Đội ngũ cán bộ về lĩnh vực di sản văn hóa còn thiếu và yếu, nhất là cán bộ có trình độ cao...

Vì thế, để các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành lợi thế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích, ngăn chặn các hành vi xâm phạm di tích. Bên cạnh các hoạt động tại di tích, cần quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử, văn hóa bằng các ấn phẩm, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Hoàn thiện việc lập và triển khai quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn và quy hoạch di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể.

Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu về di tích…

Đối với di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thực hiện lồng ghép nhiệm vụ bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đẩy mạnh công tác quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch; xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch địa phương gắn với bản sắc văn hoá riêng có. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng làng nghề nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm.

Đối với di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, xây dựng thành một quần thể di tích có kiến trúc hài hòa phù hợp với tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng và thời kỳ lịch sử, có dấu ấn đặc trưng, đặc thù, gắn với thiên nhiên và văn hóa khu vực, có trung tâm điều phối và giao thông kết nối nội bộ thuận tiện, kết nối liên thông với ATK Định hóa và ATK Tân Trào, tạo nên tam giác du lịch lịch sử để thu hút du khách. Đặc biệt, cần tôn trọng các yếu tố nguyên gốc trong quá trình bảo tồn kiến trúc, cảnh quan; quan tâm tái hiện sâu sắc các dấu ấn lịch sử vật thể và cả phi vật thể; bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể hiện hữu trong đời sống đồng bào các dân tộc trong khu vực như văn hóa nhà sàn, ẩm thực dân tộc, dân ca và kiến thức dân gian, tiếng nói, trang phục dân tộc… gắn với du lịch sinh thái để giúp du khách trải nghiệm, hình dung đời sống chiến khu xưa, qua đó vừa giáo dục truyền thống, vừa nâng cao đời sống cả vật chất và tinh thần cho người dân trong khu vực.

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích đạt hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị một cách khoa học. Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật; xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa. Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh./.

H.V

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Cùng chuyên mục