Hoạt động của ngành

Khôi phục, phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 20/12/2021 09:03:53
Số lần đọc: 864
Sau thời gian dài “ngủ đông” bởi đại dịch Covid-19, du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã rục rịch “chuyển mình” với nhiều màu sắc, sản phẩm mới thích ứng trong điều kiện bình thường mới. Trong đó, mục tiêu hiện tại là phát triển du lịch trong nước làm nền tảng cho phát triển du lịch địa phương.


Du khách đi xuồng xuyên qua rừng tràm Trà Sư để hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng.

Hiện hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều đã có kế hoạch mở cửa trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19, tạo điều kiện cho ngành du lịch phục hồi và phát triển.

 Sẵn sàng mở cửa trở lại

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hướng đến những giải pháp phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp  chính quyền địa phương và chủ các cơ sở du lịch trong tỉnh tổ chức hội thảo, khảo sát tình hình để mở cửa trở lại. Qua kiểm tra 50 cơ sở đợt 1 thì chỉ có 25 cơ sở đủ tiêu chuẩn được phê duyệt, 25 cơ sở còn lại đang bổ sung. Đợt 2, còn 70 cơ sở sẽ thẩm định vào cuối tháng 12 này, nếu đủ điều kiện sẽ phê duyệt kế hoạch mở cửa. Theo quy định tại Quyết định số 2936 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ngoài việc bảo đảm 5K, tiêm vắc-xin đầy đủ, các cơ sở phải chủ động xây dựng kế hoạch phòng dịch và phương án xử lý các trường hợp nhiễm Covid-19 khi có phát sinh tại đơn vị và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022, lộ trình phục hồi gồm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ tháng 11 đến ngày 31/12 hoạt động du lịch nội vùng đối với địa bàn vùng xanh (cấp độ 1), vùng vàng (cấp độ 2); giai đoạn 2 từ ngày 1/1 đến 30/4/2022 sẽ mở hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương; giai đoạn 3 từ ngày 1/5 đến 31/12 sẽ mở hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương và các quốc gia.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cũng đã ban hành công văn về việc “hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch”. Đối với hoạt động du lịch, yêu cầu các cơ sở kinh doanh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19. Theo hướng dẫn nêu trên, đối với địa bàn có dịch cấp độ 1 và 2, các cơ sở kinh doanh du lịch được tổ chức phục vụ 100% công suất; địa bàn có dịch cấp độ 3 chỉ tổ chức hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch, sự kiện tập trung trong nhà và các chương trình du lịch theo nhóm 25 người.

Từ ngày 14 đến 22/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức kiểm tra liên ngành đánh giá các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn về việc bảo đảm tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng cho kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch trong tình hình mới. Kế hoạch phải được xây dựng có lộ trình, làm thí điểm, đánh giá an toàn mới nhân ra diện rộng. Trong đó, đặc biệt chú ý các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở trong điều kiện bình thường mới. Đối tượng khách hướng đến trước hết là khách trong nước và đã được tiêm đủ liều vắc-xin. Sau khi các nước trên thế giới kiểm soát được đại dịch Covid-19 sẽ hướng tới thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin, sử dụng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin được công bố.

Trong khi đó, ngay khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, UBND tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch phục hồi và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành, tỉnh xác định lộ trình, giải pháp từng bước phục hồi thị trường khách du lịch trong nước đến Kiên Giang nhằm bảo đảm mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh quyết tâm xây dựng và khẳng định hình ảnh, thương hiệu du lịch Kiên Giang là điểm đến an toàn, thân thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng mở cửa, thu hút khách du lịch quay trở lại.

Nhiều điểm đến hấp dẫn, an toàn

Tổng Giám đốc An Giang Tourimex Trần Minh Trí cho biết, sau thời gian dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, người dân bị “cột chân” trong nhà quá lâu nên có xu hướng muốn đi du lịch, nhất là trở về với thiên nhiên. Vì thế, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng sẽ được quan tâm nhiều hơn. Theo ông Trí, một trong những điểm đến được yêu thích là Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư có diện tích 845 ha, phần lớn thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên và một phần thuộc xã Ô Long Vỹ, huyện Châu Phú. Đây là rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng đất tây sông Hậu, có tác dụng rất quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khí hậu cho cả vùng Bảy Núi. Nơi đây, cứ mỗi độ xuân về lại ngập chìm trong sắc màu của hoa tràm trắng tinh khôi, loài cây đặc trưng của vùng đất mệnh danh “thiên đường xanh ngập nước”. Rừng tràm Trà Sư còn là nơi sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Ngày nay, rừng tràm Trà Sư được đưa vào khai thác du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá nên được đầu tư, cải tạo cảnh quan rất ấn tượng và độc đáo. Đáng chú ý, là cầu tre “vạn bước”, có chiều dài hơn 10 km, đạt kỷ lục chiếc cầu tre dài nhất Việt Nam. Nơi đây đã được “ghim” thành điểm check-in của giới trẻ trong suốt thời gian qua. Ông Đinh Quang Thái, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư cho biết, đơn vị đã sẵn sàng cho kế hoạch mở cửa đón khách trở lại an toàn. Đồng thời có nhiều chương trình, sản phẩm mới tri ân và “chia sẻ” với du khách sau đại dịch Covid-19. “Chúng tôi cam kết dịch vụ tốt nhất, không gian sinh thái tự nhiên đẹp nhất với chi phí du lịch hợp lý nhất”, ông Thái nói.

Đến thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) những ngày này, các nhà vườn, điểm tham quan đang tất bật chăm sóc những khóm hoa, chậu kiểng trang trí tiểu cảnh, chỉnh trang thật bắt mắt để mở cửa đón khách vào ngày 1/1/2022. Theo hướng dẫn của ngành y tế thành phố, du khách khi vào tham quan, sẽ thực hiện khai báo y tế điện tử, sát khuẩn tay bằng máy, các hệ thống phun, khử khuẩn các nhà vệ sinh sẽ được thực hiện  thường xuyên trong ngày. Phó Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc Võ Thị Bình cho biết, hiện việc đi lại của người dân đã thuận lợi nên dự báo khi hoạt động trở lại, lượng khách đến tham quan sẽ đông hơn. Lượng khách dù ít hay nhiều thì địa phương cũng đã lên kế hoạch phòng ngừa dịch hiệu quả nhất tại các điểm du lịch, lưu trú để du khách cảm thấy được an toàn. “Các nhà vườn, dịch vụ du lịch đã chủ động tạo những điểm nhấn mới cho khu điểm tham quan. Đến thời điểm này, Sa Đéc hiện có 26 khách sạn, 60 nhà nghỉ, 207 dịch vụ ăn uống, bốn điểm homestay và nhiều điểm tham quan du lịch lớn mở cửa cho du khách vào tham quan, chụp ảnh. Riêng UBND thành phố Sa Đéc đã cho chuẩn bị trang trí các tiểu cảnh tại công viên và các tuyến đường chính của thành phố để du khách cảm nhận được nét đặc trưng riêng của thành phố hoa”, bà Bình chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, mục tiêu hiện tại là phát triển du lịch trong nước làm nền tảng cho phát triển du lịch của tỉnh. Do đó, các cơ sở kinh doanh du lịch cần tập trung khai thác hợp lý lợi thế của địa phương, chú trọng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đa dạng hơn và tạo điểm nhấn để giữ chân du khách, đồng thời điều chỉnh hoạt động du lịch phù hợp tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Ngoài ra, các cơ sở cần có sự liên kết trong phát triển tour, tuyến; chú trọng liên kết với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để có sự hỗ trợ trong mở rộng nguồn khách; quan tâm xây dựng hình ảnh, thương hiệu và không gian du lịch lành mạnh, tạo sự thoải mái và an toàn cho du khách.

Với Sóc Trăng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trần Minh Lý cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lễ hội; du lịch chợ nổi kết hợp với phát triển các loại hình văn hóa trên sông theo đề án “Làng Văn hóa - Du lịch chợ nổi Ngã Năm”. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và khu vực ven biển, tiếp tục nâng cấp phát triển ba cụm du lịch cộng đồng tại các huyện Mỹ Tú, Kế Sách, Cù Lao Dung; kết hợp phát triển du lịch điện gió, du lịch biển với tuyến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo…

NHÓM PVTT ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục