Bắc Kạn thí điểm hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng
Thôn Khuân Bang (xã Như Cố, huyện Chợ Mới). Ảnh: chomoi.gov.vn
Theo đó, với nội dung tư vấn về không gian, cảnh quan, sản phẩm và cách làm du lịch, Bắc Kạn hỗ trợ mỗi điểm du lịch không quá 300 triệu đồng. Tỉnh hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/điểm du lịch với nội dung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển điểm du lịch. Nội dung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong thời gian tối đa 6 tháng, tỉnh hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng và không quá 15 người/điểm du lịch. Trong 3 năm, tỉnh hỗ trợ không quá 150 triệu đồng/điểm du lịch/năm đối với nội dung công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Trường hợp xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc, mua sắm thiết bị vật dụng để hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê quy mô đón, phục vụ cùng lúc tối thiểu 10 khách lưu trú trở lên, tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng theo thực tế. Mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng/nhà, thời gian vay không quá 36 tháng và không quá 10 nhà/điểm du lịch. Về hỗ trợ kinh phí phát triển sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc tạo sản phẩm lưu niệm, quà tặng đặc trưng phục vụ khách du lịch, tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/cơ sở và không quá 3 cơ sở/điểm du lịch...
Đội văn nghệ thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn. Ảnh: chodon.backan.gov.vn
Ông Trần Đình Thất, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết, Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 23/10/2023 của HĐND tỉnh thí điểm hỗ trợ phát triển tại 3 điểm du lịch nói trên. Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16, Sở phối hợp cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, UBND các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn đang xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung hỗ trợ của Nghị quyết theo quy định. UBND huyện Chợ Mới xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ của Nghị quyết và đang liên hệ đơn vị tư vấn không gian cảnh quan để có cơ sở triển khai. Đồng thời xây dựng kế hoạch quy hoạch chi tiết điểm du lịch thôn Khuân Bang.
Huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn xã quản lý đất đai, vệ sinh môi trường phục vụ phát triển du lịch, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ xây dựng Đội văn nghệ truyền thống phục vụ phát triển du lịch tại thôn Khuân Bang và tổ chức đưa các hộ dân đi tham quan học tập mô hình phát triển du lịch tại điểm du lịch Mỏ Gà (xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Huyện chỉ đạo UBND xã thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, định hướng các hộ dân làm du lịch, thành lập Ban Quản lý điểm du lịch cộng đồng tại thôn Khuân Bang...
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn đề nghị, các địa phương đăng ký kế hoạch hỗ trợ kinh phí để Sở tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện.
Với tài nguyên du lịch khá phong phú, đa dạng, du lịch được xác định phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, dẫn đến nguồn thu từ du lịch còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng, tài nguyên sẵn có. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều điểm du lịch đáp ứng điều kiện công nhận điểm du lịch theo quy định. Các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả.
Với cơ chế, chính sách mới này, Bắc Kạn kỳ vọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động du lịch tại các địa phương có tiềm năng phát triển, từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần hình thành đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh.
Sơn Hải