Bạc Liêu: Điểm đến an toàn, thân thiện
Điểm tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại TP, Bạc Liêu
Những kết quả đáng ghi nhận
Kể từ khi UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định số 61 về Chương trình hành động du lịch của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đặc biệt là tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về “Đẩy mạnh phát triển du lịch” và Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”…, trong 5 năm qua, với vị thế là đô thị trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, TP. Bạc Liêu đã đón hơn 5,9 triệu lượt khách, tăng bình quân 20%/năm, tổng doanh thu đạt trên 5.340 tỷ đồng, tăng bình quân 19%/năm.
Đặc biệt, với việc tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng và các công trình, dự án du lịch, tạo điểm nhấn quan trọng, đến nay, TP. Bạc Liêu chiếm đến 8/9 điểm du lịch trong toàn tỉnh, được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của Vùng và trở thành một trong những địa phương thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Với việc mạnh dạn nhìn nhận và đánh giá đúng thực trạng, nhằm có ngay các giải pháp cho phát triển du lịch, nhìn chung hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố tuy có tăng trưởng nhưng theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh thì du lịch TP. Bạc Liêu nhìn chung vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế: Đó là vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế, các loại hình dịch vụ, các sản phẩm du lịch chuyển biến còn chậm và chưa phong phú, chưa tạo chuyển biến mạnh trong liên kết du lịch vùng và cả nước…
Đặc biệt là bước sang những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội nên việc thực hiện các chỉ tiêu của ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghệp du lịch phải hoạt động cầm chừng, lượng khách đến địa phương giảm mạnh…
Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển du lịch cho giai đoạn “hậu dịch”, TP. Bạc Liêu sẽ tiếp tục đồng hành, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, tập trung quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh về du lịch và đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Song song đó, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở dịch vụ du lịch; tập trung ưu tiên các công trình bức xúc phục vụ phát triển du lịch; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án du lịch đã có chủ trương đầu tư.
Để cụ thể hóa chủ trương trên, chính quyền địa phương sẽ đôn đốc triển khai đầu tư khu du lịch Công tử Bạc Liêu, các điểm du lịch tuyến biển; đẩy nhanh dự án khách sạn Đờn Kìm 5 sao. Xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án du lịch, chú trọng hình thành một số tuyến phố đi bộ (phường 1, phường 3, phường Nhà Mát), gắn với mô hình văn hóa 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; kêu gọi đầu tư hệ thống xe điện du lịch nội ô thành phố và đầu tư, sắp xếp, thiết kế lại khu ẩm thực Chợ đêm hiện đại, sắp xếp theo khu vực, nối liền với Chợ đêm Ngô Gia Tự…
Quảng trường Hùng Vương trở thành địa điểm tham quan thu hút khá nhiều khách du lịch khi đến TP. Bạc Liêu
Đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch xây dựng điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đạt tiêu chuẩn sản phẩm du lịch OCOP 4 sao…
Phấn đấu trở thành điểm đến an toàn, thân thiện
Bước vào những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp du lịch lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng, các thị trường khách du lịch đến địa phương trong giai đoạn này suy giảm mạnh, tình trạng hủy tour lên đến 60% - 80%, các doanh nghiệp khách sạn công suất phòng giảm mạnh, doanh thu khối nhà hàng, khách sạn giảm đáng kể, các điểm tham quan du lịch và điểm đến đều bị thiệt hại và giảm sút so với cùng kỳ, đặc biệt những tháng đầu năm là tháng cao điểm du lịch. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, nguồn cán bộ nhân lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ trong ngành du lịch còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, khả năng kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch cũng như trong việc giao tiếp với khách du lịch.
Tuy vậy, doanh thu du lịch - dịch vụ tỉnh Bạc Liêu ước trong 6 tháng đầu năm khoảng 870 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch năm, trong đó doanh thu khối nhà hàng khách sạn đạt khoảng 250 tỷ đồng; đón tiếp được khoảng 1,1triệu lượt khách đạt 36% kế hoạch cả năm, trong đó có 300.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú đạt 23% kế hoạch, có khoảng 20.000 lượt khách quốc tế đạt 22% kế hoạch cũng là nỗ lực của ngành du lịch Bạc Liêu trong thời điểm khó khăn như hiện nay.
Ngành du lịch tỉnh còn chủ động tham mưu ban hành các văn bản gửi các đơn vị có liên quan, triển khai đến các cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới virut corona gây ra. Tổ chức buổi họp mặt các doanh nghiệp du lịch, trao đổi bàn các giải pháp kích cầu du lịch trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến giới thiệu du lịch Bạc Liêu, các sản phẩm du lịch trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh
Trong định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, một trong 5 trụ cột kinh tế chính của tỉnh, ngành du lịch Bạc Liêu sẽ nỗ lực vượt qua thử thách khó khăn của covid-19, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và nhân dân chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị Quyết 08 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XV) về “tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Chủ động triển khai Chương trình kích cầu du lịch đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh về con người và những nét văn hóa tiêu biểu của Bạc Liêu đến khách du lịch trong và ngoài nước.
Tiếp tục tăng cường xây dựng hình ảnh du lịch Bạc Liêu - điểm đến an toàn, xây dựng các gói kích cầu dòng sản phẩm đặc thù của Bạc Liêu, để hỗ trợ cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ, cùng chung tay trong chiến lược kích cầu chung của tỉnh. Xây dựng kế hoạch tổng kết chương trình hành động du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và kế hoạch Chương trình hành động du lịch giai đoạn 2021 - 2025.
Triển khai thực hiện đạt hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch đã được ký kết giữa các tỉnh, thành phố với Bạc Liêu; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai bản thỏa thuận về ký liên kết tour, tuyến du lịch cũng như liên kết cung cấp các dịch vụ du lịch giữa đại diện các doanh nghiệp du lịch Bạc Liêu với các công ty du lịch, đơn vị lữ hành các tỉnh trong nước.
Hướng dẫn xây dựng điểm tham quan chùa Xiêm Cán, Chùa Hưng Thiện thành điểm du lịch và đề nghị Hiệp hội Du lịch công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời duy trì và phát huy tốt 9 điểm du lịch đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận để khai thác kết nối tour, tuyến du lịch với khu vực và cả nước. Tiếp tục cải tạo, mở rộng các tuyến giao thông đến các khu, điểm như: Di tích lịch sử Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu, Vườn chim Bạc Liêu, di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Vĩnh Hưng... để đầu tư xây dựng và nâng cấp thành sản phẩm du lịch độc đáo và đặc sắc thu hút du khách trong thời gian tới.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch Bạc Liêu tham gia các hoạt động trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được lãnh đạo các tỉnh, thành phố ký kết tại Bạc Liêu tháng 12/2019. Đồng thời có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư các dịch vụ du lịch, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đưa doanh thu du lịch dịch vụ tỉnh Bạc Liêu đến cuối năm 2020 đạt khoảng 2.200 tỷ đồng đạt 73% so với năm 2020 (năm 2020 dự kiến sẽ đạt 3.000 tỷ đồng); trong đó doanh thu nhà hàng, khách sạn ước đạt 910 tỷ đồng, phấn đấu đón tiếp khách du lịch đạt khoảng 2,9 - 3 triệu lượt khách.
Huy Tự