Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các homestay
Người dân thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) trao đổi về công tác lễ tân, đón tiếp khách du lịch. Ảnh: Hồng Thu
Vì vậy, ngành Du lịch (DL) vẫn trong tình trạng thừa lao động phổ thông nhưng thiếu nhân lực giỏi nghề. Anh Lý Quốc Thắng, chủ một homestay ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ), chia sẻ: “Nhà tôi làm homestay đã nhiều năm nay, mới đầu được sự vận động của chính quyền địa phương thực hiện làm homestay để tăng thu nhập cho gia đình; gọi là làm homestay, nhưng thực ra, chúng tôi chưa biết cách làm thế nào,... Sau khi được chính quyền địa phương cho tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề; đến nay, gia đình đã phục vụ nhiều đoàn du khách và biết cách làm DL chuyên nghiệp hơn”.
Tại huyện Quản Bạ, nơi có Làng Văn hóa du lịch cộng đồng được ASEAN công nhận đạt chuẩn; để nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là thu hút lượng du khách quốc tế, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức mở các lớp, như: Hướng dẫn viên DL, kỹ thuật chế biến các món ăn và dạy tiếng Anh giao tiếp miễn phí cho các hộ làm dịch vụ DL. Thông qua các lớp học, đã giúp người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm để phục vụ du khách; qua đó, góp phần quan trọng vào việc quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về mảnh đất, con người, văn hóa của địa phương. Chị Lý Hồng Thu, dân tộc Dao, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, chia sẻ: “UBND huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ làm DL và các lớp học tiếng Anh giao tiếp miễn phí cho người dân. Được tham gia những lớp tập huấn như vậy, chúng tôi thấy rất bổ ích trong việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách cũng như khả năng giao tiếp với khách nước ngoài”.
Xác định chất lượng nguồn nhân lực DL là một trong những yếu tố rất quan trọng trong phát triển DL; các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động trong đào tạo lao động là các hộ kinh doanh và người làm DL để nâng cao chất lượng và hình ảnh của điểm đến. Bên cạnh đó, không chỉ ngành DL của tỉnh mà các doanh nghiệp DL cũng cần chủ động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn cho người lao động. Theo báo cáo, mỗi năm tùy thuộc nhu cầu và xu hướng chung của thị trường, các ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các trường đào tạo về DL và Hội Nghề nghiệp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động ngành DL và doanh nghiệp kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chương trình giảng dạy của Trường dạy nghề DL đã được điều chỉnh theo hướng sát với thực tế của mỗi địa phương, tăng cường ngoại ngữ để người dân có đủ kỹ năng làm việc. Để tránh tình trạng thiếu lao động chất lượng cao cho ngành DL, các cấp, ngành của tỉnh đã có chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng ngày càng nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động nhằm đón đầu các dự án đầu tư DL.
Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn sẽ góp phần nâng cao chất lượng ngành DL của tỉnh và nâng mức độ hài lòng của du khách; từ đó, tạo nên những điểm đến hấp dẫn, tăng khả năng cạnh tranh cho DL địa phương.
Lê Hải