Nhiều giá trị lịch sử, văn hóa từ di tích mộ gạch cổ tại xã Gia Thủy (Ninh Bình)
Nhiều hiện vật bằng gốm men, sành sứ...được tìm thấy trong ngôi mộ cổ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học cho biết: Xã Gia Thủy (huyện Nho Quan) là vùng đất trũng, được bao bọc bởi sông Bôi ở phía Đông và sông Đập ở phía Tây. Làng xóm ở khu vực này được xây dựng trên các gò, mô đất cao, xung quanh là các đầm, ao, ruộng trũng ngập nước. Khi chưa có đê Hoàng Long, mùa lũ nước đổ về gây ngập lụt nhưng rút nhanh, đồng ruộng được bồi đắp phù sa, thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp.
Từ năm 2002, tại thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy đã phát hiện dấu hiệu di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ. Đến cuối tháng 12/2019, một kiến trúc gạch cổ lại được phát hiện khi đào móng xây dựng phòng học trong khuôn viên Trường Tiểu học xã Gia Thủy. Từ đây, xuất hiện những lời đồn đoán trong nhân dân địa phương cho rằng, khu vực này có mộ Vua Đinh Tiên Hoàng...
Tháng 2/2020, Bảo tàng Ninh Bình đã tiến hành khai quật khẩn cấp ngôi mộ gạch đó, nghiên cứu, xử lý và công bố kết quả nghiên cứu để loại trừ những tin đồn gây hoang mang dư luận.
Các nhà khảo cổ học đã xác định đây là một ngôi mộ gạch có niên đại thế kỷ III sau Công nguyên. Mộ đã nhiều lần bị xâm phạm nhưng vẫn tìm thấy trong mộ nhiều hiện vật tùy táng như: gương đồng, chậu đồng, hạt cườm bằng vàng, bằng đá ngọc và nhiều đồ gốm men, đồ sành. Sau khi khai quật, những hiện vật đã được chuyển về bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình.
Từ tháng 7/2020, đoàn công tác của Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Sở VHTT và Bảo tàng Ninh Bình đã tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ trên tổng diện tích 280m2 tại các địa điểm thuộc Trường Tiểu học Gia Thủy và đình Mỹ Hạ trên địa bàn xã Gia Thủy.
Kết quả khai quật mộ gạch tại Trường Tiểu học Gia Thủy đã làm rõ toàn bộ hình dáng, quy mô và cấu trúc của một ngôi mộ gạch có quy mô lớn, niên đại thế kỷ III sau Công nguyên, tương tự như những ngôi mộ gạch phân bố ở Thuận Thành (Bắc Ninh), Đông Triều (Quảng Ninh), Quốc Oai (Hà Nội), Kim Thành (Hải Dương)... là nơi có những trị sở lớn của chính quyền đô hộ thời Bắc thuộc.
Mộ có cấu trúc hình cũi chữ nhật, có mái vòm, chiều dài 8,46m, chia thành ba gian tiền thất, trung thất và hậu thất. Trung thất được tạo rộng nhất 3,5m, tiền thất và hậu thất có chiều rộng 2,5m. Tường mộ được xếp hai lớp gạch, đều là gạch múi bưởi xếp dạng tráo đầu đuôi để tạo thành mặt phẳng. Gạch có kích thước trung bình 0,5mx0,23mx0,05m-0,03m, một cạnh bên được trang trí hoa văn với các mô típ khác nhau, như dạng: xương cá, ô trám đơn, ô trám lồng, ô trám kết hợp, hoa văn đồng tiền... Đáy mộ lát phẳng bằng loại gạch tương tự gạch xây tường và vòm cuốn. Cửa mộ hướng Bắc, phía trước cửa mộ có đường mộ đạo để đưa di hài chủ nhân ngôi mộ xuống, sau đó được lấp lại bằng gạch và đất sét.
Quá trình san ủi sân trường học trước đây, đã phá mất toàn bộ phần mái vòm ngôi mộ. Quá trình khai quật cũng ghi nhận mộ đã bị đào phá nhiều lần, toàn bộ lòng mộ đã bị xáo trộn, đồ tùy táng bằng gốm men và sành bị đập vỡ nát nằm rải rác lẫn lộn trong lớp đất lấp mộ.
Qua nghiên cứu, ngôi mộ đã cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học về đề tài mộ gạch 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Việt Nam. Quy mô xây dựng và đồ tùy táng còn lại, có thể dự đoán, chủ nhân của ngôi mộ là quan lại cấp cao trong xã hội đương thời. Cùng với ngôi mộ đã được khai quật tháng 2/2020 và những ngôi mộ còn nằm trong lòng đất, ngôi mộ vừa khai quật là một trong những minh chứng cho sự tồn tại và phát triển lâu đời của vùng đất nơi đây. Khẳng định, vùng đất này đã tồn tại một hệ thống mộ gạch có niên đại những thế kỷ đầu Công nguyên, đặt ra giả thiết rằng, thời Bắc thuộc ở vùng Ninh Bình ngày nay đã từng có một trị sở quy mô, với những quan lại cấp cao.
Ngoài ra, tại đình Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, là nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Thái hậu Dương Vân Nga, sau khi đoàn công tác thăm dò, khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ các dãy nền móng của ngôi đình cũ có quy mô to lớn nằm sâu dưới mặt đất 0,5m. Quan sát mặt bằng kiến trúc có thể nhận diện hai đơn nguyên kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật được xây dựng nối tiếp nhau tạo thành mặt bằng hình chữ nhị. Tổng diện tích mặt bằng kiến trúc là 156m2. Phía trước đại đình ở hai bên có hai trụ biểu, phía trên đắp hình con lân ngồi chầu.
Bên cạnh việc khai quật nghiên cứu khảo cổ học, các nhà khoa học còn tiến hành điều tra điền dã để thu thập tư liệu lịch sử văn hóa - nhân học - Hán Nôm tại 6 xã: Gia Thủy, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Tường (Nho Quan), Gia Hưng và Liên Sơn (Gia Viễn). Kết quả điều tra đã ghi nhận những chứng tích lịch sử và văn hóa dân gian liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh và nhà Đinh.
Theo sử sách ghi chép, vùng đất Ninh Bình ở 10 thế kỷ đầu Công nguyên được xác định thuộc về huyện Võ Công, quận Cửu Chân thời thuộc Hán và là đất Trường Châu thời thuộc Đường, nhưng cho đến gần đây, vẫn chưa tìm thấy những chứng cứ xác minh. Như vậy, với những phát hiện về hệ thống di tích mộ gạch đã đưa ra những chứng tích cụ thể chứng minh rằng ở Ninh Bình xưa đã từng có trị sở có quy mô thời Bắc thuộc với những quan lại cấp cao từng trị nhậm ở vùng đất này.
Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Việc khai quật, khảo cổ di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ tại xã Gia Thủy đã góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa, vai trò và vị thế của vùng đất Ninh Bình ở giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Đặc biệt là sự hình thành, phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt ở kinh đô Hoa Lư, thế kỷ X.
Các di tích đã thăm dò khai quật tại xã Gia Thủy đang đợi những kế hoạch phát huy giá trị trong tương lai. Trước mắt, cần khoanh vùng, lấp bảo tồn di tích tạm thời đối với mộ gạch cổ và nền móng kiến trúc tại đình Mỹ Hạ, giúp bảo quản di tích trong lòng đất, tránh tình trạng bị xâm hại bởi quá trình xây dựng các công trình dân dụng của người dân hoặc nạn đào trộm cổ vật.
Về phương án lấp bảo tồn di tích, Giáo sư Lâm Thị Mỹ Dung kiến nghị các cấp có thẩm quyền tỉnh Ninh Bình, cần xây dựng chỉ dẫn, các phương án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích. Đối với di tích mộ gạch cổ nằm tại sân trường Tiểu học xã Gia Thủy, ở thời điểm hiện tại, vẫn có thể sử dụng mặt bằng bên trên làm sân trường, có ý nghĩa giáo dục lịch sử cho học sinh và đình Mỹ Hạ tiếp tục phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương.