Hoạt động của ngành

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống ở huyện Vĩnh Thạnh(Bình Định): Cần hướng đi phù hợp

Cập nhật: 05/09/2020 07:34:43
Số lần đọc: 1260
Huyện Vĩnh Thạnh hiện còn một số nghề truyền thống, tạo việc làm, mang lại thu nhập khá cho một số hộ dân. Song do tác động của kinh tế thị trường, buộc phải cạnh tranh với sản phẩm sản xuất công nghiệp, nhiều nghề đang dần mai một. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghề truyền thống ở địa phương cần được quan tâm.

Người Ba na ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp đang nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Thổ cẩm, bánh tráng, rượu gạo, chè dây và mật ong rừng là các sản phẩm nghề truyền thống chủ yếu ở huyện Vĩnh Thạnh hiện nay. Lấy ví dụ là nghề dệt thổ cẩm. Nhiều năm qua, do đời sống thay đổi, việc sử dụng các sản phẩm may mặc hiện đại thuận tiện hơn nên các loại vải thổ cẩm ít được dùng, dẫn tới nghề dệt thổ cẩm dần mai một. Đến nay, nghề dệt thổ cẩm chủ yếu được người Ba na ở làng M2 (xã Vĩnh Thịnh), làng Thạnh Quang, Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp), khu phố Klot Pok (thị trấn Vĩnh Thạnh) bảo tồn và gìn giữ.

Bà Trần Thị Ngọc Luyện, Phó Trưởng Phòng VH&TT huyện Vĩnh Thạnh, dẫn chứng: 70% số hộ ở làng Hà Ri (130 hộ) còn người biết nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra chủ yếu sử dụng trong gia đình, số bán ra thị trường rất ít. Đặc điểm của sản phẩm thủ công là giá thành cao, trong khi đối tượng sử dụng hạn hẹp nên chuyện mất vị trí là dễ hiểu. Tại làng Thạnh Quang, tuy vẫn còn người theo nghề dệt thổ cẩm nhưng số lượng cũng không nhiều. Vừa qua, Hội Nông dân huyện xây dựng tổ hội nghề dệt thổ cẩm với hơn 15 phụ nữ trong làng tham gia, cốt yếu là để bảo tồn nghề truyền thống do tổ tiên để lại.

Rượu Vĩnh Cửu tuy được đăng ký nhãn hiệu tập thể, giúp người dân ở xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thịnh có thêm cơ hội mở rộng thị trường, nhưng hiện nghề sản xuất rượu ở đây phát triển chưa tương xứng với kỳ vọng. Sản phẩm rượu chủ yếu bán theo hình thức nhỏ lẻ, tiêu thụ chủ yếu ở huyện và một số địa phương trong tỉnh.

Ông Đặng Thành Kiệt, Tổ dịch vụ Nông nghiệp Vĩnh Hiệp, cho biết: “Rượu Vĩnh Cửu chỉ tiêu thụ mạnh vào dịp lễ, tết, còn ngày thường lượng sản phẩm bán ra không đáng kể. Theo thống kê, hiện có 41 thành viên tham gia đăng ký nhãn hiệu tập thể rượu Vĩnh Cửu. Tuy nhiên, bình quân một năm lượng rượu tổ dịch vụ mua gom chỉ được khoảng 1.000 lít”.

Một số sản phẩm nghề truyền thống khác như bánh tráng, chè dây, mật ong rừng, dù có tiềm năng nhưng phát triển cũng cầm chừng ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình, chưa có sự liên kết giữa các nhóm hộ với nhau, nên chưa có “cơ hội” được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí nghề, làng nghề truyền thống.

Ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng: Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống ở địa phương là yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn 2020 - 2025. Do đó, sắp tới, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển nghề truyền thống kết hợp với du lịch làng nghề cộng đồng, du lịch sinh thái. Trong đó, huyện ưu tiên xây dựng lộ trình bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch làng nghề cộng đồng nhằm quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm, song song với công tác đầu tư, hỗ trợ công cụ, kinh phí cho bà con.

Đối với rượu Vĩnh Cửu, huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp với Sở KH&CN rà soát, đánh giá lại hợp quy, hợp chuẩn cho sản phẩm. Mục đích là nhằm đánh giá lại chất lượng sản phẩm, làm mới khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện để người dân phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện xem xét đổi mới cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực và tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất cho sản phẩm bánh tráng ở địa phương, trong đó ưu tiên nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá thành phù hợp. “Riêng chè dây và mật ong rừng thì được UBND huyện Vĩnh Thạnh định hướng phát triển thành các sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2020 - 2025”, ông Thành cho biết thêm.

TRỌNG LỢI

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục