Bạc Liêu: Tháo gỡ khó khăn cho các khu du lịch sinh thái
Khu du lịch sinh thái Vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải).
Nhiều điểm hấp dẫn
Hiện nay, Vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải) được xem là một trong những khu du lịch sinh thái hấp dẫn của Bạc Liêu. Vườn chim này được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đánh giá là vườn chim lớn nhất khu vực, có hơn 40 loài chim với số lượng lớn. Hay Khu du lịch Cánh đồng Cậu Ba (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) hiện là điểm thu hút đông đảo khách trong và ngoài tỉnh, nhất là giới trẻ. Riêng Khu du lịch Nhà vườn gỗ xưa thì lại thu hút du khách hoài cổ. Với những ngôi nhà bằng gỗ mộc mạc nhưng cổ kính, đến đây du khách được trải nghiệm ẩm thực với nhiều món đồng quê đúng nghĩa… Ngoài ra, các khu du lịch sinh thái như Hương Rừng, Nông trại Tôm khỏe (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) cũng là những điểm đến lý tưởng của du khách.
Từ khi có chủ trương phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đã quan tâm xây dựng mô hình này. Vì đây được xem là loại hình du lịch hiệu quả và bền vững trong thời gian tới. Từ đó, nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trong tỉnh ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu du khách. Song, hầu hết các điểm du lịch này hiện đang gặp khó khăn trong vấn đề giao thông cầu, đường, nên việc thu hút du khách bị hạn chế nhất định.
Tháo gỡ “nút thắt” giao thông
Vướng cầu, đường cấm tải là khó khăn lớn nhất của các điểm du lịch sinh thái ở nông thôn hiện nay. Như Khu du lịch sinh thái Vườn chim Lập Điền, để đưa du khách đến với khu du lịch này là chuyện không phải dễ. Hiện bề rộng mặt đường vào khu du lịch là 3,5m, chỉ xe 4 chỗ, 7 chỗ có thể di chuyển đưa khách vào, xe 16 chỗ thì khá khó khăn. Còn các xe phục vụ tour tuyến từ 29 chỗ trở lên không vào được do vướng cầu và quá tải trọng cho phép. Anh Thái Chí Thái - chủ Vườn chim Lập Điền, bộc bạch: “Các xe lớn không vào được, chúng tôi phải dùng xe 7 chỗ để trung chuyển du khách vào với đoạn đường khoảng 2km. Kiến nghị huyện, tỉnh đầu tư mở rộng đường để khu du lịch đón các đoàn du khách với số lượng lớn…”.
Khu du lịch Nhà vườn gỗ xưa cũng có cùng cảnh ngộ. Nằm ngay trung tâm thị trấn Hòa Bình nhưng xe từ 29 chỗ trở lên không thể đưa du khách vào khu du lịch này được do cầu Kênh Chùa Nhỏ chỉ cho phép tải trọng 8 tấn. Chính vì thế, khu du lịch này bị hạn chế trong việc liên kết tour tuyến để thu hút du khách. Anh Ngô Tấn Lộc (phụ trách Khu du lịch Nhà vườn gỗ xưa) kiến nghị ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư nâng tải trọng cầu để các xe 29 chỗ trở lên vào được khu du lịch.
Cầu Kênh Chùa Nhỏ có tải trọng chỉ 8 tấn nên xe 29 chỗ ngồi trở lên không vào được Khu du lịch Nhà vườn gỗ xưa.
Hiện nay, loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn được các tỉnh, thành trong cả nước quan tâm phát triển. Để ngành “công nghiệp không khói” này phát triển bền vững, rất cần sự đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Xung quanh vấn đề này, ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, cho rằng: “Du lịch sinh thái, du lịch nông thôn Bạc Liêu cần gắn kết với ngành Du lịch của tỉnh, du lịch vùng ĐBSCL để tạo thành những tour du lịch trải nghiệm độc đáo riêng cho vùng sông nước của từng địa phương. Muốn vậy, cần tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch. Chú trọng hơn nữa các dịch vụ phục vụ, cần tranh thủ hơn nữa sự hỗ trợ từ Trung ương, cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như sự chung tay góp sức của toàn xã hội để ngày càng nâng dần các hạ tầng, dịch vụ để thu hút du khách đến với Bạc Liêu”.
Khu du lịch Nhà vườn gỗ xưa (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ
Thiết nghĩ, để du lịch sinh thái, du lịch nông thôn phát triển trong thời gian tới, các địa phương, ngành chức năng cần quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông cầu, đường. Có như thế, các điểm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn tỉnh nhà mới thật sự phát triển.
Minh Đạt