Hoạt động của ngành

Yên Bái: Suối Giàng giảm nghèo nhờ phát triển du lịch

Cập nhật: 13/12/2023 15:42:40
Số lần đọc: 556
Suối Giàng có độ cao gần 1.400 m so với mực nước biển nên nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm. Ở đây, đồng bào dân tộc Mông chiến 95% dân số, lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Cùng với khí hậu mát mẻ, phong cảnh hữu tình, vài năm trở lại đây, Suối Giàng thu hút du khách đến du lịch nghỉ dưỡng đồng thời thưởng thức trà Shan tuyết hái từ những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.

Khai thác tiềm năng

Là xã vùng cao của huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), Suối Giàng được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hòa quanh năm, cảnh quan núi rừng nguyên sơ. Xã Suối Giàng nằm ở độ cao 1.800 m so với mực nước biển, toàn xã có gần 4.000 nhân khẩu. Nơi đây chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, đặc biệt có vùng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nên thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái và nghỉ dưỡng.

Những nếp nhà còn giữ nét văn hóa nguyên sơ của đồng bào Mông ở Suối Giàng

Mỗi khi nhắc đến Suối Giàng, những ai đã từng đặt chân lên mảnh đất này, chắc hẳn sẽ không thể quên vẻ đẹp độc đáo, đặc trưng của thiên nhiên nơi đây. Trong đó, những hàng chè cổ thụ Shan Tuyết vài trăm năm tuổi với thân cây nhuộm màu trắng mốc, to lớn là một trong những hình ảnh ấn tượng nhất mà du khách nhớ về Suối Giàng.

Suối Giàng cũng là nơi còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông với những ngôi nhà truyền thống, mái nhà được lợp bằng gỗ pơ mu nằm rải rác trên các sườn đồi.

Suối Giàng mùa nào cũng đẹp nhưng ấn tượng nhất có lẽ vẫn là những dịp đầu xuân, khi cái lạnh không quá buốt giá như mùa đông nhưng vẫn đủ để níu chân du khách đến ngồi bên bếp lửa rừng rực cháy, nhấp chén trà Shan tuyết với nhiều dư vị. Trong làn khói mỏng từ những tách trà nóng, nhấp từng ngụm, vị chát, vị ngọt thanh tao của riêng chè Shan tuyết sẽ khiến du khách nhớ mãi.

Mùa xuân cũng là lúc người dân nơi đây tổ chức lễ cúng nhằm tôn vinh cây chè tổ Suối Giàng, gắn với đó là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực nhằm tôn vinh nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông với truyền thống yêu lao động sản xuất.

Đến với vùng núi miền sơn cước này du khách còn được tận hưởng bầu không khí trong lành giữa không gian bình yên của một không gian khác, phần nào xua đi những phiền muộn, lo toan trong cuộc sống thường lệ ở phố thị ồn ào, sầm uất. Nơi đây còn giúp du khách tận hưởng những khoảnh khắc của riêng mình.

Khi đến với Suối Giàng, du khách còn có thêm được rất nhiều trải nghiệm khi tới thăm quan các điểm như: động Thiên Cung, rừng nguyên sinh Cốc Tình, rừng Trúc Mao, vườn trà Vương Quốc Trà… và đặc biệt là Không gian văn hóa trà Suối Giàng và Nahi Village , ngôi làng hạnh phúc.

Với những gì đang có, Suối Giàng có tiềm năng phát triển du lịch. Nắm bắt tiềm năng, thế mạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Suối Giàng đã năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng để thay đổi cuộc sống cho đồng bào.

KTS Đào Đức Hiếu giới thiệu văn hóa trà ở Suối Giàng

Cuộc sống đổi thay từ du lịch sinh thái

Ông Lường Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: xác định phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng là khâu đột phá, trọng tâm, thời gian qua, xã đã chỉ cho người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm; đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.

Được sự quan tâm của các cấp, xã Suối Giàng được đầu tư nhiều hạng mục công trình, dự án: dự án bảo tồn Làng Văn hóa du lịch Pang Cáng; đường đi bộ tham quan vườn chè cổ thụ, công trình hồ Suối Giàng và hệ thống giao thông kết nối tuyến Sơn Thịnh - Suối Giàng; tuyến Suối Giàng - Phù Nham... Qua đó, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để địa phương tập trung thu hút các nhà đầu tư và người dân bản địa phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Nắm bắt cơ hội, năm 2021, KTS Đào Đức Hiếu từ Hà Nội đã đến với Suối Giàng. Từ đó, Suối Giàng có thêm những địa chỉ lưu trú, du lịch sinh thái ấn tượng là Không gian văn hóa trà Suối Giàng và Nahi Village ngôi làng hạnh phúc, tại thôn Pang Cáng. Anh Đào Đức Hiếu cũng tiên phong triển khai hoạt động trải nghiệm kết hợp học tập cho các bạn nhỏ dưới dạng một tour du lịch. Tour có tên gọi "Sống như người bản địa" dành cho các bạn nhỏ có độ tuổi từ 10-16 tuổi, tổ chức từ tháng 5 đến tháng 9, khoảng thời gian các bạn học sinh được nghỉ hè. Ở đây, các bạn nhỏ sẽ được sinh sống, lao động, vui chơi như đồng bào Mông ở Suối Giàng.

Thưởng trà bên bếp lửa trong cái lạnh ở Suối Giàng là trải nghiệm khó quên đối với mỗi du khách

Trước đây, đời sống của gia đình anh Vàng A Chông ở thôn Bản Mới còn nhiều chật vật, nhưng 2 năm trở lại đây, nhờ đổi mới tư duy phát triển kinh tế, mà trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nên cuộc sống của gia đình anh có nhiều đổi thay. Anh Chông bày tỏ: "Là người bản địa, tôi thấy ở đây khí hậu mát mẻ quanh năm, có vùng chè Shan tuyết cổ thụ; lượng du khách đến đây thăm quan ngày càng nhiều nhưng chỗ ăn, nghỉ còn thiếu. Vì vậy, tôi mạnh dạn vay mượn vốn đầu tư xây dựng mô hình du lịch homestay gắn với quảng bá sản phẩm chè Shan tuyết. Hiện nay, gia đình có 15 phòng khép kín, 3 gian ngủ cộng đồng đáp ứng đón tiếp được 40 - 60 người/ngày".

Cũng như anh Chông, giờ đây đời sống của vợ chồng anh Vàng A Hồng ở thôn Pang Cáng rất sung túc, hạnh phúc. "Từ khi có nhiều du khách đến với Suối Giàng, vợ chồng tôi bàn nhau và quyết định đầu tư mô hình du lịch homestay. Khách đến đây, vợ chồng tôi cho thuê trang phục dân tộc, tự tay pha trà mời khách, giới thiệu những hình ảnh đẹp, những nét đặc trưng văn hóa, cuộc sống của đồng bào Mông. Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa vì vừa có thu nhập lại giới thiệu và quảng bá cho bạn bè biết đến quê mình nhiều hơn" - anh Hồng chia sẻ.

Ông Lường Văn Tâm cho biết thêm: Để thu hút du khách, cùng với việc thu hút đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, xã tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, du lịch, đặc biệt là hỗ trợ các cơ sở du lịch cài đặt các phần mềm, các ứng dụng tiện ích trong kinh doanh du lịch. Trong đó, hướng dẫn 100% các doanh nghiệp, cơ sở du lịch cài đặt ứng dụng Yenbai-S; đưa các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử".

Nhờ đổi mới trong tư duy phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nên từ đầu năm đến nay, Suối Giàng đón gần 100.000 lượt khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm./.

Hồng Hà

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 12/12/2023

Cùng chuyên mục