Hoạt động của ngành

Dược liệu và du lịch Kon Tum

Cập nhật: 12/12/2023 12:00:14
Số lần đọc: 426
Sức hút từ Hội thi “Ẩm thực dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh” được UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum tổ chức mới đây cho thấy, phát triển du lịch gắn với lợi thế về dược liệu là một hướng đi đầy triển vọng.


Phải nói rằng, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức rất thành công Hội thi “Ẩm thực dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh”. Sức lan tỏa trên các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội và lượng du khách tìm về Tu Mơ Rông trong những ngày qua cho thấy điều đó.

Sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức thể hiện rất rõ ở việc “chủ nhà” mời được cả những đầu bếp có tiếng ở khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh về tập huấn “kỹ thuật bếp núc” cho các đội thi, trực tiếp tham gia thi, cùng “giàn” giám khảo chất lượng là chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển ẩm thực Việt Nam và Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn.

Hội thi ‘’Ẩm thực dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh’’ thu hút đông đảo du khách. Ảnh: H.L

Nhưng tôi quan tâm nhất đến chủ đề chính của Hội thi là “tôn vinh giá trị cây sâm dây”. Mỗi đội dự thi phải nấu ít nhất 5 món ăn chính, trong đó có 3 món bắt buộc sử dụng sâm dây (một cây dược liệu đặc sản của huyện) và 2 món tự chọn theo vùng miền.

Từ đó có thể thấy rất rõ rằng, huyện Tu Mơ Rông đang quyết tâm nâng tầm giá trị cây sâm dây (một loại dược liệu nổi bật của Tu Mơ Rông, sau “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh) trong việc tạo sức hút đối với du khách.

Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông phát biểu rằng, hội thi nhằm giới thiệu các món ăn đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng và sáng tạo thêm các món ăn dinh dưỡng từ đặc sản cây sâm dây. Từ đó  kết nối các hoạt động du lịch trải nghiệm văn hóa, khám phá các loại dược liệu trên địa bàn.

Với đôi bàn tay khéo léo của các đầu bếp chuyên và không chuyên, nhiều món ăn được chế biến từ sâm dây, với sâm dây đã làm đông đảo du khách đến với hội thi không chỉ được “no bụng, đã mắt” mà còn ngất ngây, thán phục.

Và có rất nhiều du khách cho rằng, họ đến với Tu Mơ Rông nói riêng và Kon Tum nói chung bởi sức hút từ dược liệu. Họ luôn mong muốn sẽ có những tour du lịch dược liệu được mở và duy trì, chứ không chỉ xuất hiện theo sự kiện như thế này.

Thực tế cho thấy, du lịch gắn với dược liệu đang là một xu hướng mới trong xã hội hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám phá cũng như bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bằng dược liệu của du khách.

Báo cáo điều tra về tiềm năng dược liệu của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho biết, tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc. Trong đó, ngoài sâm Ngọc Linh, còn có nhiều loài dược liệu có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao, như đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử. Chưa kể rất nhiều loại cây dược liệu khác được nhân dân sử dụng trị bệnh chưa được định danh.

Những năm gần đây, với việc xây dựng và triển khai mạnh mẽ hàng loạt chủ trương, chính sách phát triển dược liệu, đến tháng 12/2023, tỉnh ta đã có khoảng 2.385ha sâm Ngọc Linh và khoảng 7.716,7ha cây dược liệu khác (đảng sâm, đương quy, nghệ vàng, sa nhân...).

Mặt khác, đồng bào các DTTS tại chỗ, với nhiều kinh nghiệm trong chế biến món ăn và chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền gắn với bài thuốc truyền thống cũng là một ưu điểm tiềm năng cho sự phát triển của dược liệu gắn với du lịch cộng đồng.

Có thể nói, những yếu tố từ tự nhiên, sinh thái, vị trí địa lý đến xã hội, con người, giá trị văn hóa, tri thức truyền thống bản địa cho thấy, thúc đẩy xu hướng kết hợp các tour, tuyến du lịch ngắn ngày kết hợp với sản xuất dược liệu là một hướng đi nhiều triển vọng.

Hướng đi này không chỉ khai thác được giá trị văn hóa, thế mạnh tự nhiên, xã hội của các địa phương, mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển dựa trên du lịch và thế mạnh dược liệu.

Vì vậy, tháng 9/2018, tại Hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác, lãnh đạo tỉnh từng chia sẻ ý tưởng khai thác lợi thế dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh, để phát triển du lịch.

Đào tạo nhân lực về du lịch gắn với dược liệu, nhất là người dân trực tiếp trồng dược liệu. Ảnh: HL

Đến tháng 12/2018, một trong những hoạt động được mong chờ nhất trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018 chính là tour tham quan vườn sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô.

Tháng 4/2022, nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn “Du lịch Kon Tum- Tiềm năng và triển vọng”, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức Diễn đàn sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch; tour du lịch khám phá vườn sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum với tên gọi “Hành trình về miền Quốc bảo”.

Sức hút từ Hội thi “Ẩm thực dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh” do UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức mới đây tiếp tục là minh chứng cho điều đó.

Tất nhiên, để dược liệu thật sự trở thành “nam châm”, thành một trong những trụ cột thu hút du khách, bên cạnh sinh thái và văn hóa, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trước hết, cần chủ động hơn trong việc định hình các tour, tuyến một cách ổn định, khắc phục tình trạng bị động, dựa vào các sự kiện, khi sự kiện kết thúc, các tour cũng “im” luôn.

Đầu tư khắc phục khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, dịch vụ nghỉ ngơi cho du khách. Đây là một vấn đề khó, cần có sự tham gia của doanh nghiệp, bởi nguồn ngân sách nhà nước không thể cáng đáng nổi.

Các địa phương cũng cần xây dựng và  thực thi, thúc đẩy hoạt động du lịch kết hợp với đầu tư sản xuất, kinh doanh các mô hình du lịch dược liệu phù hợp.

Đào tạo các nhóm nhân viên chuyên sâu cho mảng du lịch dược liệu (trồng, chế biến sản phẩm, thương hiệu..). Trong đó, khuyến khích, thu hút người DTTS tại chỗ có kinh nghiệm về dược liệu.

Bên cạnh hình thành một số vùng trồng dược liệu tập trung, như vùng trồng sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông, Đăk Glei; vùng trồng sâm dây tại Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông; vùng trồng sa nhân tím tại Sa Thầy, thành phố Kon Tum, cần tạo vùng dược liệu từ liên kết của hộ gia đình và nhóm hộ trồng dược liệu dưới tán rừng.

Hồng Lam

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.com.vn - Đăng ngày 11/12/2023

Cùng chuyên mục