Hoạt động của ngành

Quảng Bình: Chung tay giúp bà con dân tộc Bru - Vân Kiều phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 13/12/2023 14:19:37
Số lần đọc: 624
Với tỉnh Quảng Bình, những sản phẩm du lịch cộng đồng hiện nay được khai thác không chỉ tạo sinh kế cho người dân tham gia vùng miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc mà còn tạo nên lợi nhuận cho doanh nghiệp địa phương…

Ghi nhận tại bản Còi Đá xã Ngân Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) cho thấy, trong những năm qua khi công ty Netin Travel bắt đầu thực hiện khai thác thử nghiệm tour du lịch khám phá hang Chà Lòi và tìm hiểu đời sống văn hóa của người Bru – Vân Kiều tại bản Còi Đá được thực hiện và thu hút sự quan tâm của du khách.

Du khách và đồng bào Bru - Vân Kiều trải nghiệm cuộc sống, tìm hiểu văn hóa của đồng bào tại điểm du lịch khám phá bản Còi Đá (Ngân Thủy - Lệ Thuỷ)

Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào người Bru – Vân Kiều sinh sống xưa nay chỉ sống dựa vào rừng cùng với diện tích nhỏ đất nông nghiệp ngoài ra không thể phát triển thêm kinh tế theo một hướng nào cả. Cứ vậy cái khó, cái khổ quấn chặt lấy người dân từ năm này qua năm khác giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ấy.

Từ khi hình thành tour du lịch khám phá thiên nhiên tại hang Chà Lòi và tìm hiểu đời sống. văn hóa của người Bru – Vân Kiều tại bản Còi Đá, những người dân Bru – Vân Kiều bắt đầu được tham gia vào tour, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ phù hợp, phần nào đó cải thiện sinh kế. Cũng từ đó, những nét đặc trưng về văn hóa của người Bru – Vân Kiều bắt đầu được quảng bá rộng rãi đối với du khách thập phương.

Chia sẻ điều này, ông Trần Xuân Cương, Giám đốc công ty Netin Travel cho hay: Khu vực xã Ngân Thủy là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với nhiều hang động đẹp, nhiều điểm đến thiên nhiên còn chưa được khai thác và cộng đồng khá lớn bà con dân tộc thiểu số có những nét văn hóa đặc trưng rất ấn tượng.

Du khách được nghe đồng bào Bru -Vân Kiều kể chuyện cuộc sống


Chúng tôi hi vọng trong khoảng 3-5 năm tới 100% bà con tại bản Còi Đá sẽ cùng tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hiện nay, công ty đang triển khai những tour khám phá hang động, để du khách hòa mình vào thiên nhiên mà họ cũng phải ở với bà con, tìm hiểu văn hóa đặc sắc nơi đây. Và để làm được điều này, bản thân doanh nghiệp tự mình không thể làm được mà cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đồng hành của người dân".

Với tỉnh Quảng Bình, khoảng từ năm 2017 trở lại đây đã bắt đầu phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng. Một số dự án được thí điểm hoạt động, chủ yếu tại huyện Bố Trạch và gần đây những điểm đến mới như hang Chà Lòi, Động Châu Khe Nước Trong đang góp phần đa dạng hóa về các tour – tuyến du lịch giúp du khách có nhiều lựa chọn hơn khi đến với tỉnh Quảng Bình.

Có thể thấy rằng, Quảng Bình có đủ hệ sinh thái tự nhiên nhân văn để phát triển du lịch cộng đồng tuy nhiên việc phát triển mô hình này đang còn hạn chế. Hiện nay tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch cụ thể trong việc phát triển du lịch thực sự trở ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 – 2025 và chú trọng đến phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn dựa trên khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh.

Ghi lại cuộc sống của đồng bào Bru - Vân Kiều trong chuyến du lịch

Từ kế hoạch này, tỉnh Quảng Bình đã khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, địa phương quan tâm đến hoạt động phát triển các sản phẩm ngành nghề, sản phẩm OCOP phục vụ du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn; đồng thời hình thành các trang trại nghỉ dưỡng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước.

Nhiều nhận định của các chuyên gia cho thấy, Quảng Bình sở hữu rất nhiều tiềm năng về du lịch nhưng việc khai thác như thế nào? hiệu quả ra làm sao sẽ là một vấn đề lớn cho địa phương cũng như cho doanh nghiệp. Đi cùng với sự phát triển các tiềm năng sẽ có những tác động nhất định đến vùng dân cư và cộng đồng, do đó cần một mối quan hệ bền vững để vừa có thể bảo vệ văn hóa, môi trường địa phương vừa giúp du khách giao lưu văn hóa vừa giúp tạo sinh kế bền vững cho bà con.

Có thể khẳng định rằng, việc phát triển du lịch cộng đồng là con đường khó, nhưng phải đi vì mô hình này, qua thực tế chứng minh, đem lại lợi ích cho nhiều bên từ cộng đồng địa phương, đến doanh nghiệp và du khách… cần có sự ràng buộc giữa các mối quan hệ để từ đó chung tay xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng tốt nhất phục vụ du khách đến với Quảng Bình.

Năm 2023, du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón từ 3 – 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 100.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.400 – 3.900 tỉ đồng, trong đó đối với khách du lịch ngoại tỉnh sẽ tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Quảng Bình theo các chủ đề trải nghiệm, khám phá thiên nhiên; thiên đường thể thao, nghỉ dưỡng; nơi giao thoa và tiếp biến văn hóa; du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng.

Vĩnh Quý

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 12/12/2023

Cùng chuyên mục