Non nước Việt Nam

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở Mường Lát (Thanh Hóa)

Cập nhật: 25/05/2020 14:27:22
Số lần đọc: 1022
Huyện Mường Lát (Thanh Hóa) có trên 39.000 người, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%. Thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm qua huyện Mường Lát  đã có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống.

Thiếu nữ dân tộc Mông ở Mường Lát.

Đặc biệt, từ năm 1996 đến nay, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục dựng Lễ hội Xên Bản của dân tộc Khơ Mú; khôi phục Lễ hội Tư Mã Hai Đào ở Tén Tằn; tổ chức và tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ các dân tộc do tỉnh tổ chức. Tập trung, hỗ trợ công tác sưu tầm, bảo tồn làng nghề truyền thống, như đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần. Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với hoạt động văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong đó, chú trọng bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể, có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân, cá nhân, gia đình có công sức bảo tồn, gìn giữ tài sản văn hóa dân tộc; tổ chức nghiên cứu, khôi phục tiếng nói, chữ viết, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống; xây dựng các đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm và tiến tới hướng dẫn con em các dân tộc biết sử dụng các nhạc cụ cổ truyền dân tộc. Đến nay, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục và gìn giữ, như: Khặp, đánh mẳng, nhảy sạp, khua luống, ném còn, đánh cồng chiêng, bắn nỏ, kéo co... của dân tộc Thái; ném pao, đánh cù, thổi khèn của dân tộc Mông; lễ cấp sắc của đồng bào Dao... Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đầu tư sách báo, phủ sóng truyền thanh, truyền hình bằng tiếng, chữ dân tộc để tuyên truyền đến đông đảo người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng làng văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, huyện đã có 45/88 thôn, bản được công nhận làng văn hóa, cơ quan văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Hầu hết các thôn, bản đều có đội văn nghệ tham gia biểu diễn các ngày lễ, tết, khai trương xây dựng làng văn hóa, ngày hội đại đoàn kết toàn dân... Đặc biệt, trong những năm qua Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với huyện Mường Lát triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án “Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông”. Vì vậy, việc hiếu, hỷ đang dần được người dân tổ chức theo nếp sống văn hóa, đơn giản, lành mạnh, tiết kiệm.

Bài và ảnh: Thiện Nhân

Nguồn: baothanhhoa.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT