Non nước Việt Nam

Cần bảo tồn nhạc lễ như di sản quốc gia

Cập nhật: 21/05/2020 09:52:56
Số lần đọc: 920
Bên cạnh nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, nhạc lễ ở nhiều vùng miền có những giá trị, nét đặc sắc riêng cũng cần được nhìn nhận như di sản quốc gia.


Trình diễn nhã nhạc cung đình tại Festival Huế 2018

Nhạc lễ có thể hiểu bao gồm nhạc tế đình, nhạc trong lễ Phật, nhạc thực hành trong nghi lễ tín ngưỡng. Nhạc lễ ở nhiều vùng miền được giới nghiên cứu đánh giá cao với những giá trị nổi bật như nhạc lễ Nam bộ, nhạc lễ Chăm…

Nguy cơ mai một

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho hay nhạc lễ ở mỗi vùng miền có những đặc điểm riêng. Chẳng hạn ở miền Bắc, có thể thấy mỗi đình làng có một kiểu tế lễ khác nhau, nên nhạc lễ dù có thể chung “gốc” nhưng lại được chơi theo những kiểu cách sáng tạo khác nhau. So với nhạc lễ ở miền Bắc, nhạc lễ Nam bộ có quy chuẩn nghệ thuật cao, nền nếp hơn vì tiếp thu nhạc lễ cung đình Huế. Nói về nhạc lễ Nam bộ, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền nhìn nhận, đây là một giá trị lớn. “Bởi đó là cội nguồn - hình thành nhạc tài tử và sau là cải lương. Rất nhiều danh cầm tài tử - cải lương xuất thân từ nhạc công nhạc lễ, điển hình như danh cầm Ba Tu đờn kìm”, ông Hiền nói.

Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Khoa Nghệ thuật, Trường đại học Sài Gòn, TP.HCM), trên bình diện âm nhạc, nhạc lễ Nam bộ là loại khí nhạc đầu tiên của vùng đất mới khai phá, còn được xem là loại nhạc gợi mở cho những thể loại khác sinh sôi, phát triển sau này. Kế thừa âm nhạc vùng ngoài, tiếp biến văn hóa các tộc người cùng chung sống và thể hiện những sáng tạo của người Nam bộ trong điều kiện địa lý - văn hóa đặc thù, nhạc lễ Nam bộ thể hiện phong cách âm nhạc riêng với những đặc trưng về giai điệu, tiết tấu, những nét luyến láy, nhấn, rung, phong cách diễn tấu… Mặc dù các giá trị của nhạc lễ Nam bộ đã được giới nghiên cứu đánh giá cao, nhưng loại hình nghệ thuật này lại đang đứng trước nguy cơ mai một.

TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm là tác giả công trình nghiên cứu Nhạc lễ dân gian người Việt ở Nam bộ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải nhất - giải thưởng Văn nghệ dân gian năm 2017. Trong quá trình nghiên cứu, bà nhận thấy thực trạng: phần lớn những nghệ nhân chơi nhạc lễ Nam bộ đều lớn tuổi, nhiều người không còn, trong khi không mấy người trẻ muốn theo nghề này vì khó kiếm tiền đủ sống. “Những địa phương như Bến Tre, Bình Dương, Biên Hòa cũng còn nhạc công chơi nhưng số lượng ít. Ở Long An, Tiền Giang, Cần Thơ dù có nhiều hơn nhưng không còn nhiều như trước”, TS Mỹ Liêm cho hay.

Nhạc lễ Nam bộ được thực hành từ lâu trong hai nghi thức là lễ tang và lễ tế. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nơi khi thực hành những nghi thức trên không “chuộng” nhạc lễ nữa, hoặc có sử dụng nhạc lễ nhưng pha trộn, biến tấu, thậm chí làm biến dạng. Dàn nhạc lễ thường bị thay đổi không đúng như quy chuẩn, hoặc có nơi người ta dùng cả nhạc khí điện tử để chơi nhạc lễ. Số bài bản nhạc lễ Nam bộ cũng bị rơi rớt nhiều, giờ còn lại rất ít.

Di sản âm nhạc cần bảo vệ qua các thế hệ

TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm cho rằng nhạc lễ Nam bộ là nhạc dân gian, nên việc biến hóa, thêm thắt cũng là điều dễ hiểu. “Nhưng biến đổi thế nào đi chăng nữa cũng cần phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ, đạo đức của người Việt, và cần giữ những giá trị căn bản, hay bản sắc của loại hình âm nhạc đó”, bà nhìn nhận. Theo bà, cần phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn nhạc lễ Nam bộ.

TS Mỹ Liêm nhắc đến vai trò của cơ quan quản lý và cho rằng cần nhìn nhận nhạc lễ Nam bộ như di sản quốc gia để có những chính sách bảo vệ loại hình nghệ thuật này trước nguy cơ mai một. Có thể thấy, đờn ca tài tử Nam bộ - loại hình nghệ thuật hình thành từ nhạc lễ, sau khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đã có sự quan tâm của nhà nước, đầu tư của địa phương. Chẳng hạn như tỉnh Bạc Liêu còn triển khai dạy, tổ chức những cuộc thi đờn ca tài tử cho trẻ em như cách “nuôi” loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng. “Nhìn vào kịch âm nhạc, hay văn hóa nói chung, sẽ thấy vai trò của nhà nước trong việc phát triển những loại hình nghệ thuật. Chẳng hạn, hát bội từng có những giai đoạn lịch sử tưởng như biến mất, nhưng đã trở lại phát triển mạnh mẽ vào thời nhà Nguyễn khi nhà vua là người mê hát bội”, TS Liêm nói.

Câu chuyện về nhạc lễ Nam bộ là ví dụ để nhạc lễ Việt Nam được quan tâm nhiều hơn trong việc bảo tồn và phát triển. Theo GS-TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, những vốn quý nghệ thuật mà ông cha để lại mà trong đó có những bài nhạc lễ có giá trị nổi bật xứng đáng được nhìn nhận như di sản quốc gia. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng nhìn nhận, nên sớm tôn vinh những bản nhạc lễ đặc sắc thành di sản quốc gia. “Việc làm này một mặt để tri ân tổ tiên, một mặt cũng để khẳng định “chủ quyền” quốc gia với những di sản âm nhạc ông cha đã trao truyền mà chúng ta cần có trách nhiệm bảo vệ, duy trì và tiếp tục trao truyền cho những thế hệ sau tiếp nối”, ông Long lý giải./.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT