Làng dân tộc thiểu số Pò Hèn
Thanh niên thôn Pò Hèn tranh tài môn thể thao dân gian đẩy gậy.
Ông Mễ Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, khẳng định: Thật hiếm có thôn giáp biên nào lại có nét đẹp đặc trưng như Pò Hèn. Thôn có 175 hộ dân, trong đó 80% là người dân tộc Dao và Sán Chay, sinh sống khá tập trung dưới những nếp nhà có vườn cây trái xanh mát, trong vòng ôm của những cánh rừng già tự nhiên ngút ngàn. Nơi đây có dòng sông Ka Long chảy qua, bên này là Pò Hèn (Việt Nam) và bên kia là Thán Sản (Trung Quốc).
Trong thôn có xóm họ Đặng với 20 nóc nhà đều được trang trí bằng những bức tranh, khiến xóm này được gọi là xóm bích họa. Cảnh quan tự nhiên của xóm họ Đặng đẹp nhất thôn Pò Hèn, với 100% đường nội xóm được bê tông, kết quả của quá trình xây dựng nông thôn mới, cùng nhiều đường hoa, tiểu cảnh sạch và thoáng đãng.
Người dân Pò Hèn hiền hòa, thân thiện, hầu hết đều rành tiếng Kinh, song vẫn giữ nếp giao tiếp với nhau bằng tiếng của dân tộc mình, 100% người lớn tuổi đều ưa mặc trang phục dân tộc. Làng còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như ẩm thực, nghề truyền thống, văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian… Đặc biệt là tục lại mặt trong hôn lễ; lễ cấp sắc và nghệ thuật hát đối của người Dao; lễ cầu mùa, nghệ thuật hát soóng cọ của người Sán Chay.
Pò Hèn còn có di tích Đồn Biên phòng 209 gắn với chiến công của nhân dân và những chiến sĩ biên phòng năm xưa anh dũng trong chiến dịch bảo vệ biên giới năm 1979, góp phần bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ. Di tích này hiện cũng nằm trong 15 điểm du lịch đã được công bố của TP Móng Cái và là điểm giáo dục lịch sử của học sinh toàn tỉnh.
Từ năm 2017, TP Móng Cái đã lên ý tưởng xây dựng Làng dân tộc thiểu số Pò Hèn. Trong mục tiêu xây dựng, thành phố hướng tới hình mẫu ngôi làng giáp biên duy trì và phát huy tối đa giá trị văn hóa bản địa. Theo đó, Pò Hèn sẽ được dựng cổng làng, xây nhà văn hóa cộng đồng, mô hình nhà ở truyền thống, hoàn thiện hạ tầng, xây dựng sản phẩm đặc trưng về du lịch, văn hóa… Các công trình kiến trúc chủ yếu phục vụ nhu cầu thể hiện văn hóa của người dân nơi đây.
Làng dân tộc thiểu số Pò Hèn cũng sẽ được đầu tư trọng tâm để người dân trong thôn sưu tầm, truyền dạy, biểu diễn giá trị văn hóa từ ẩm thực, trang phục đến văn nghệ, thể thao dân gian, nghệ thuật truyền thống. Mục tiêu trước mắt là 100% trẻ em nữ và 30% trẻ em nam mặc trang phục dân tộc đến trường, thành lập và duy trì 2 CLB văn nghệ hát đối và soóng cọ, thành lập 1 đội bóng đá nữ, 100% hộ dân trong thôn đều thực hiện theo hương ước, quy ước, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, duy trì hoạt động giao lưu văn hóa giữa Pòn Hèn (Việt Nam) và Thán Sản (Trung Quốc)...
Ông Vũ Minh Tiến, Phó trưởng Phòng VH-TT TP Móng Cái, cho biết: Từ tham khảo một số mô hình làng văn hóa đã có của Quảng Ninh, cũng như ở các tỉnh thành khác, TP Móng Cái xác định mô hình Làng dân tộc thiểu số Pò Hèn là dự án có đầu tư lớn, không chỉ về giá trị đầu tư mà là cả công phu đầu tư. Điều này thể hiện qua quá trình đầu tư theo chiều sâu, sao cho từng con người, gia đình, dòng họ, các xóm trong thôn đều thấm nhuần và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó hoạt động của Làng dân tộc thiểu số Pò Hèn nhất định phải gắn chặt với việc phát huy giá trị di tích Đồn Biên phòng 209, việc giáo dục lịch sử và những hoạt động du lịch cộng đồng.
Được biết, mặc dù quyết tâm cao để xây dựng Làng dân tộc thiểu số Pò Hèn, tuy nhiên hiện nay TP Móng Cái đang gặp một số khó khăn. Trong đó quan trọng nhất là chưa phân định rõ ràng những phần việc, công trình mà Ban Dân tộc hoặc TP Móng Cái đảm nhận triển khai. Điều này khiến tiến độ đầu tư dự án có thể bị ảnh hưởng.