Tiếng trống đồng - cầu nối giữa con người và thần linh của người Lô Lô
Cặp trống đồng đực - cái trong lễ ma khô của người Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc).
Người Lô Lô lưu giữ và sử dụng trống đồng như báu vật linh thiêng nhất của dân tộc mình, vì họ quan niệm nếu không có tiếng trống đồng dẫn đường thì hương hồn của người quá cố không về được với tổ tiên. Quan niệm này gắn với truyền thuyết về trống đồng của người Lô Lô, truyền thuyết kể rằng: Một năm hạn hán kéo dài, ở dưới trần gian ao, hồ, sông, suối đều khô cạn làm cho con người, cỏ cây, loài vật chết rất nhiều, mùi hôi thối bốc lên tận trời.
Vua trời thấy vậy, bèn sai Thần nước mở lỗ nước thật to, nước cứ chảy hết ngày này qua ngày khác để rửa hết mùi hôi thối. Thế rồi xảy ra nạn hồng thủy. Con người bị lũ lụt chết trôi gần hết, chỉ còn hai chị em con của một gia đình làm trống sống sót nhờ chui vào trống đồng. Chị chui vào chiếc to hơn, em chui vào chiếc nhỏ hơn nổi lềnh bềnh theo dòng nước dâng đến tận cửa trời. Hết cơn hồng thủy, thế gian chỉ còn hai chị em.
Họ sống với nhau ngày này qua ngày khác trong cảnh không một bóng người, cỏ cây trơ trụi. Tìm mãi chẳng thấy ai nên hai chị em cảm thấy rất buồn tủi. Biết được tình cảnh đó, vua trời phái một vị thần xuống gặp hai chị em và nói rằng: Ở thế giới trần gian này không còn ai nữa, tất cả đều bị trận lụt vừa qua làm chết hết rồi, do vậy việc duy trì nòi giống thuộc về hai chị em. Họ đã sống với nhau thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái.
Đến khi già yếu, người mẹ dặn dò con cháu phải cất giữ cái trống ở nơi linh thiêng nhất, đến khi bố mẹ chết, con cháu phải mang hai chiếc trống đó đánh vang lên để đưa hồn lên trời. Từ đó, con cháu gọi trống to là trống mẹ (trống cái - Dảnh Mo), trống bé là trống bố (trống đực - Dảnh Pố).
Thông thường, một bộ trống đồng gồm 2 chiếc: Trống cái có đường kính 60 cm, cao 22 cm; trống đực có đường kính 56 cm, cao 24 cm. Trống có 4 quai, bố trí thành 2 cặp đối xứng qua trục thân. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình ngôi sao 12 cánh, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Hình tròn giữa mặt trống là hình mặt trời (theo quan niệm bố - Trời, mẹ - Đất), các đường hoa văn xung quanh là các hành tinh vây quanh mặt trời.
Quan sát kỹ lưỡng sẽ thấy những chi tiết này trên bề mặt của trống đồng khá giống với một số chi tiết trên trang phục truyền thống của người Lô Lô. Các nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng, hình dáng trống đồng được cách điệu, mô phỏng từ hình dáng của con người nhằm phản ánh nét đặc sắc trong tâm thế của người Lô Lô, coi con người là trung tâm của trời đất.
Theo tập quán của người Lô Lô, khi có người trong dòng họ qua đời, họ sẽ dùng 3 cặp trống, mỗi cặp 1 trống đực và 1 trống cái để thực hiện nghi lễ chôn cất. Nhưng muốn sử dụng trống đồng trong tang lễ phải tuân thủ các lệ tục: Mời thầy cúng đến làm lễ xin phép tổ tiên, gọi hồn trống để đem trống đồng ra dùng trong tang lễ. Nếu đi mượn trống của dòng họ khác phải đem tới một đôi gà để cúng tổ tiên của dòng họ đó mới được phép đem trống về sử dụng.
Trước tiên, lời khấn của thầy cúng xin phép tổ tiên, gọi hồn trống và đem trống ra dùng để đưa linh hồn người chết về với tổ tiên. Sau đó, người đánh trống là đàn ông một tay cầm dùi đánh vào mặt trống, tay kia cầm dùi gõ vào tang trống để giữ nhịp các điệu múa. Khi đánh, chiếc trống đực bao giờ cũng được treo bên phải, trống cái treo bên trái; 2 đầu dây buộc vào từng quai của 2 trống rồi treo lên xà nhà. 2 trống buộc quay mặt vào nhau với khoảng cách 30 cm. Người đánh trống dùng 2 dùi bằng tre dài 15 - 20 cm đánh 36 điệu.
Khi đánh, tay phải cầm dùi to lia vào 2 mặt trống đực và cái, còn thanh tre dẹt bật ngang vào tang trống đực, vì vậy khi nghe có 3 âm cùng phát ra một lúc. Cách đánh trống phải tương ứng với từng điệu nhảy, có bao nhiêu điệu nhảy thì có bấy nhiêu kiểu gõ trống. Khi biểu diễn 2 chiếc trống đồng bao giờ cũng tạo ra 3 tiết tấu cùng một lúc: hai tiết tấu tạo ra bởi 2 trống đực và cái do dùi tay phải đánh, một tiết tấu khác tạo nên bởi thanh tre cầm ở tay trái gõ vào tang trống. Cách thức đánh trống đồng trong lễ tang còn thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Lô Lô, quan niệm thế gian có đực - cái, âm - dương hài hòa.
Trống đồng của người Lô Lô góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng bản sắc văn hóa ở Cao Bằng. Tương ứng với mỗi nghi lễ trong đám ma là một bài trống đồng được diễn tấu một cách trang trọng và linh thiêng. Khi âm thanh vang lên ngân nga, sâu lắng đầy tình cảm, khi trầm hùng thôi thúc mỗi người trong cộng đồng hòa cùng trời đất và vang xa tận trời xanh. Tiếng trồng đồng sống mãi trong tâm hồn của người Lô Lô, trở thành phương tiện để con người giao tiếp với thần linh, với ngưỡng vọng giản dị nhưng chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, cần được gìn giữ và bảo tồn./.