Quảng Ninh: Xây dựng Làng dân tộc thiểu số đồng bộ với các chương trình, chính sách dân tộc
Giao lưu bóng đá nữ là một trong những sinh hoạt văn hóa thường niên của bà con dân tộc Sán Chỉ xã Húc Động (Bình Liêu) và dân tộc Dao xã Hải Sơn (Móng Cái).
Thôn Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái) có 172 hộ dân, gồm 3 thành phần dân tộc, trong đó, đồng bào Dao chiếm 42,8%. Những đặc trưng về văn hóa truyền thống như lễ cấp sắc, hát đối giao duyên, cúng lệ làng, cầu mùa, các trò chơi dân gian… đã tạo nên những điểm nhấn độc đáo có thể khai thác, phát triển du lịch. Đặc biệt, đây cũng là địa điểm từng ghi dấu về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, với Đài Tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, Cột mốc biên giới 1347 - Địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chuộng hoà bình và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Xuất phát từ những đặc trưng đó, xã Hải Sơn đã và đang có những giải pháp nhằm khai thác tốt thế mạnh này. Một mặt vừa phát huy được giá trị văn hóa, đồng thời cũng lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của người Dao cho thế hệ sau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn lực của địa phương cũng còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó, do điều kiện khách quan, một số giá trị văn hóa của đồng bào đã dần mai một. Do đó, nhân dân thôn Pò Hèn nói riêng và người dân xã Hải Sơn nói chung mong muốn tỉnh quan tâm, sớm triển khai thực hiện Đề án Làng dân tộc Dao thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn để góp phần bảo tồn và phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng chung mong mỏi như người dân xã Hải Sơn, nhân dân xã Quảng An, huyện Đầm Hà cũng kiến nghị cơ quan chức năng sớm phê duyệt, thực hiện Đề án làng dân tộc Dao Thanh Phán tại địa phương. Đề án này được thực hiện sẽ là sản phẩm du lịch thu hút du khách, kích cầu phát triển KT-XH của địa phương cũng như bảo tồn, phát huy được giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Liên quan đến nội dung này, theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh: Đề án thành lập các Làng DTTS của tỉnh được UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 1859/UBND-TM4 ngày 26/3/3019, trong đó giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch và một số địa phương Uông Bí, Hạ Long, Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái thực hiện khảo sát, triển khai xây dựng Đề án.
Mục tiêu của Đề án là xây dựng thiết chế văn hóa mang đậm bản sắc của từng dân tộc, qua đó, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Quá trình triển khai, Ban Dân tộc cũng đã xây dựng dự thảo hệ thống biểu mẫu và hướng dẫn cấp huyện khảo sát, thống kê, tổ chức họp lấy ý kiến các ngành về đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết Đề án. Trong tháng 10/2019, Ban cũng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, thẩm định số liệu do UBND các địa phương cung cấp; đồng thời tổ chức đoàn tham quan, học tập mô hình Làng DTTS gắn với phát triển du lịch tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên để làm cơ sở tham khảo.
Trong quý I/2020, Ban Dân tộc đã hoàn thiện Dự thảo lần 1 Đề án; đồng thời nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung để phù hợp với Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt ngày 18/11/2019.
Mặt khác, hiện UBND tỉnh cũng đang giao cho Sở Du lịch tham mưu đề xuất xây dựng Đề án Du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Để tránh chồng chéo trong việc lập Đề án, mới đây, Ban Dân tộc cũng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh cho phép tích hợp nhiệm vụ xây dựng Đề án Làng DTTS vào thành một trong những nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi mà hiện Ban đang tham mưu xây dựng. Cùng với đó, lựa chọn nội dung để trách trùng chéo với các nhiệm vụ thuộc đề án, dự án khác mà tỉnh đang chỉ đạo triển khai hoặc đang xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Dân tộc sẽ có hướng dẫn cụ thể đến các địa phương để làm cơ sở triển khai các phần việc tiếp theo. Mục tiêu đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, phát huy tốt giá trị văn hóa của đồng bào DTTS./.