Non nước Việt Nam

Tiếng khèn trong đời sống văn hóa tâm linh của người Mông

Cập nhật: 05/05/2020 07:17:08
Số lần đọc: 1120
Trong tiếng Mông, khèn được gọi là “chúa kềnh”. “Chúa kềnh” rất quan trọng và được xem là vật mang giá trị tâm linh, gắn liền với cuộc sống tinh thần của người Mông.


Anh Dương Văn Tu, xóm Lũng Hoài, xã Mã Ba (Hà Quảng) được người dân địa phương mời đến thổi khèn trong đám tang.

Khèn được dùng trong các dịp lễ hội, chợ tình, kết duyên nam nữ. Cây khèn luôn gắn bó với người Mông khi đi làm nương, lúc ấy, tiếng khèn cất lên sẽ thay cho những lời nói, tâm tư và cả ước mong về những điều bình dị nhất trong cuộc sống.

Đặc biệt, cây khèn là vật không thể thiếu trong tang lễ, bởi người Mông quan niệm, tiếng khèn là công cụ để người sống và người chết có thể giao tiếp với nhau. Có tiếng khèn thì linh hồn người chết mới được đưa về tổ tiên... Khi trong nhà có người từ giã cõi đời, gia đình cử người đến nhà người biết thổi khèn mời đến giúp thổi trong đám tang. Đến cổng nhà có người vừa chết, khèn sẽ thổi từ ngoài ngõ vào đến chỗ người chết nằm.

Khi vào đến chỗ người chết nằm, tiếng khèn trầm buồn mới dứt. Lúc này gia đình bắt đầu chuẩn bị tắm rửa, mặc quần áo cho người chết. Trong khi người chết được làm thủ tục mặc quần áo và nhập quan thì tiếng khèn lại cất lên: “Giờ đây anh đã từ giã cõi trần, anh em, họ hàng, con cháu đang rửa mặt và mặc quần áo cho anh. Đừng sợ nhé! Anh cứ ngủ yên! Tiếng khèn sẽ đưa anh về với tổ tiên...”.

Làm thủ tục nhập quan xong, tiếng khèn lại cất lên bài “Mở đường” để mời người chết cầm hương, hoa về trời, chính thức báo với họ hàng, người thân và bản thân người chết là họ đã từ biệt cõi đời. Suốt quá trình hành tang, mỗi lần có người đến thắp hương, tiếng khèn lại cất lên gọi người chết về nhận hương hoa và sự tiễn biệt của mọi người...

Đến bữa cơm, tiếng khèn cất vang để gọi linh hồn người chết về ăn cơm với đại ý như: Đã đến bữa ăn trưa (hoặc tối), mời linh hồn về để các con cháu bón cơm... Vào ngày làm ma chính, khèn lại có nhiệm vụ giao của cải cho người chết với nội dung: “Hôm nay ngày... tháng... năm... gia đình gồm những người... trao cho anh... đã chết những thứ: lợn, gà, quần, áo, tiền... mong anh nhận lấy để mang theo về với tổ tiên...”. Phần trao của cải là lúc người nhà tiễn biệt lần cuối cùng với người chết để đưa linh hồn họ về thế giới bên kia.   

Đến khi đưa quan tài ra cửa, tiếng khèn tấu bài “Đưa người chết ra đồng”, nội dung bài khèn hàm ý rằng: “Đã đến giờ lên đường về với tổ tiên, mời linh hồn hãy mau ra cửa để về nhà mới, đến một nơi ở mới, xây dựng cuộc sống mới ở thế giới bên kia. Mong linh hồn phù hộ cho con cháu trong gia đình làm ăn may mắn, thuận lợi, không về quấy quả cuộc sống của các con các cháu...”. Tất cả các bài khèn thổi trong đám tang đều mang giai điệu trầm buồn, man mác, tiếng khèn thay nỗi lòng của gia chủ cũng như bạn bè, người thân đến phúng viếng, thể hiện sự tiếc thương vô hạn với người đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

Theo anh Dương Văn Tu, xóm Lũng Hoài, xã Mã Ba (Hà Quảng), khèn trong đám tang của người Mông có hơn 60 bài, tùy theo hoàn cảnh gia đình và sự ra đi của người chết, người thổi khèn sẽ tấu những bài phù hợp.

Hiện tại, trong cộng đồng người Mông ở Cao Bằng, những người biết thổi khèn trong đám tang hầu hết đều từ 45 tuổi trở lên. Do có nhiều bài khó nên để học thành thục các bài khèn trong tang lễ cần có niềm đam mê mới có thể tập luyện nhuần nhuyễn và thực hành trong điều kiện thực tế. Chính vì lẽ đó, giới trẻ không hứng thú với việc học cách thổi khèn. Do việc tìm người biết thổi khèn không dễ nên có nhiều nơi cộng đồng người Mông không còn sử dụng tiếng khèn trong đám tang, vì vậy tiếng khèn trong cộng đồng người Mông ít nhiều bị mai một.

Tiếng khèn trong đám tang của người Mông mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện bản sắc văn hóa của người Mông. Nhờ có tiếng khèn, đám tang của người Mông không sầu thảm mà còn có âm thanh làm vơi bớt nỗi buồn của gia chủ. Khèn - nhạc cụ truyền thống của người Mông cần được gìn giữ, bảo tồn.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT