Non nước Việt Nam

Câu lạc bộ Hoàng Tân giữ gìn trang phục truyền thống

Cập nhật: 27/04/2020 11:00:29
Số lần đọc: 935
Câu lạc bộ (CLB) giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu cụm Hoàng Tân thuộc 3 thôn Cây Đa 1, Cây Đa 2 và thôn Hoàng Tân, xã Ninh Lai (Sơn Dương) được thành lập năm 2011 trở thành mái nhà chung để bà con phát huy tinh thần sinh hoạt cộng đồng, trao đổi những giá trị văn hóa truyền thống như hát Soọng cô, truyền dạy tiếng nói, may thêu trang phục truyền thống cho các hội viên.


Bà Bàn Thị Thanh, thành viên CLB Hoàng Tân hướng dẫn cháu cách làm tua rua trên trang phục truyền thống.

CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu cụm Hoàng Tân hiện có 20 thành viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Trong những buổi sinh hoạt hàng tháng, các hội viên trao đổi kinh nghiệm thêu thùa, các kỹ năng truyền dạy con cháu hát giao duyên. Thông qua lời hát như lời dạy bảo của cha ông với lớp trẻ trách nhiệm giữ gìn văn hóa dân tộc:

Váy đen thì nhuộm cây chàm

Khăn đen em đội, áo chàm em may

Vòng cổ bằng bạc, vòng tay cũng tròn

Yếm trắng đeo ngực cho non

Xà cạp em cuốn cho tròn bằng chân

Khăn xanh em thắt ngang lưng

Bao trầu thắt dọc sen thu quả đào

Sen thu xà tích dao con

Cau non tiện chuỗm cho nhau ăn cùng

Vào những ngày lễ, hội các thành viên CLB đều mặc trang phục của dân tộc mình, biểu diễn múa hát Soọng cô. Cháu Đỗ Thị Thanh Trà, 9 tuổi, thôn Cây Đa 1 chia sẻ, cháu tham gia câu lạc bộ được 1 năm rồi, cháu rất thích vì được các bà, các mẹ  dạy cách đan thêu, làm chùm tua rua để gắn vào trang phục truyền thống. 

Bộ trang phục truyền thống của người Sán Dìu có khăn đội đầu, áo dài, áo ngắn, váy, thắt lưng, xà cạp. Áo ngắn là loại áo bốn thân, cổ cao, nẹp trơn, không đính khuy mà buộc bằng dây vải, dài quá thắt lưng. Áo dài tới đầu gối, kiểu may giống áo ngắn, tay áo có viền bằng vải màu trắng. Áo thường mặc theo cặp, gọi là áo cặp đúp, áo ngoài màu chàm, áo trong màu trắng như để tôn thêm vẻ đẹp trang nhã của trang phục dân tộc Sán Dìu.

Váy của phụ nữ Sán Dìu rất độc đáo, bà con gọi là váy lá. Váy bằng vải nhuộm chàm gồm hai hoặc bốn mảnh vải, không khâu nối vào nhau mà chỉ đính vào cạp váy, mảnh nọ chờm lên mảnh kia chừng 10 - 15cm, tạo nhiều kẽ hở trên thân váy. Phụ nữ Sán Dìu quấn xà cạp trắng; thắt lưng bằng vải tơ tằm màu trắng, đỏ, khi đi lễ hội có thêm những chiếc khăn màu xanh, đỏ, buộc vào thắt lưng. Trong ngày lễ, áo còn đính thêm hai chùm tua rua trên ve áo. Tóc phụ nữ Sán Dìu được vấn lên đầu, còn có thêm một chiếc khăn trùm bên ngoài gọi là “khăn cu”. Túi đựng trầu hình múi bưởi, được thêu rất công phu bằng chỉ nhiều màu. Miệng túi được luồn những sợi dây tết bằng chỉ nhiều màu, đầu dây tết nút và có tua dài đeo một chuỗi xu đồng. Cùng với túi trầu là dao cau với vỏ dao bằng gỗ được chạm khắc đẹp, thường được chị em đeo bên thắt lưng. Khi lễ hội phụ nữ Sán Diu đeo dây xà tích, vòng cổ, vòng tay, hoa tai, nhẫn... được làm bằng bạc hoặc đồng, ngà voi...

Chị Đỗ Thị Man, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cụm Hoàng Tân, xã Ninh Lai chia sẻ: Trang phục là một trong những yếu tố quan trọng chứa đựng linh hồn và bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Vì vậy, để có thể bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục của dân tộc Sán Dìu, cần phải có sự ý thức và nỗ lực của chính những người dân, mà trước tiên là ý thức của những thành viên trong gia đình với việc giáo dục thế hệ con cháu biết trân trọng, gìn giữ và phát triển vốn văn hoá độc đáo của thế hệ cha ông mình để lại. Vì thế, chị cùng các thành viên cao tuổi trong câu lạc bộ luôn kiên trì tiếp lửa cho thế hệ trẻ với mong muốn lớp trẻ luôn giữ được hồn cốt của dân tộc mình./.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT