Non nước Việt Nam

Tín ngưỡng sản xuất của người Dao vùng Tây Bắc

Cập nhật: 22/04/2020 14:53:36
Số lần đọc: 926
Người Dao vùng Tây Bắc – Bắc Trường Sơn có biệt tài về sản xuất và thâm canh cây trồng trên đất dốc. Bà con rất chú trọng khâu chọn đất, rừng, chọn giống, chọn mùa vụ để cư trú và canh tác. Tập quán này đã hình thành những nét độc đáo bản địa về tín ngưỡng sản xuất của người Dao.

Nông lịch truyền thống gắn liền với lễ tết hàng năm

Di cư tới Việt Nam từ nhiều vùng khác nhau với nhiều đợt suốt gần 7 thế kỷ, người Dao đã trở thành cư dân văn hóa bản địa ở miền núi Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trường Sơn. Dù đến cư trú sớm hay muộn ở vùng cao hay vùng thấp, người Dao vẫn giữ được tập quán nông lịch truyền thống sản xuất gắn với nghi lễ tín ngưỡng.

Lịch tháng Chạp là thu dọn nương rẫy, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Tháng Giêng ăn Tết, thăm họ hàng cùng với trỉa ngô gieo lúa. Tháng Hai trồng rau quả, trồng chàm nhuộm vải. Tháng Ba, tháng Tư chăm sóc cây trồng, mở ruộng nương rẫy canh tác. Tháng Năm thu hoạch vụ xuân hè, gieo trồng vụ hè thu, mùa thu hái thuốc nam. Tháng Sáu thu hoạch chàm, nhuộm vải, chăm sóc cây trồng.

Tháng Bảy chăm sóc nương vườn, thu hái lâm sản, đan lát đồ gia dụng. Tháng Tám trồng rau mùa vụ đông. Tháng Chín thu hoạch mùa, tết cơm mới, chuẩn bị cho mùa lễ hội. Tháng Mười thu hái thuốc nam, làm nhà, cưới xin, cấp sắc tạ mả, tết nhảy… tháng Mười Một tiếp tục các nghi lễ, đốt nương, lấy củi, thu hoạch mùa.

Sự vận hành của nông lịch truyền thống người Dao rất phù hợp với điều kiện khí hậu, sinh cảnh cư trú và năng lực sản xuất của người Dao tạo ra sự phát triển bền vững của một nền canh tác trên đất dốc. Người Dao vốn rất có năng lực thâm canh đất rừng, hỏa canh nương rẫy.

Tín ngưỡng sản xuất nét đẹp văn hóa người Dao

Người Dao quan niệm vạn vật đều có linh hồn. Cây cối, con vật trong rừng trên nương, trong nhà ngoài vườn đều có linh hồn chính, biết sống chết, biết bày tỏ thái độ giận và thương đối với con người. Chính vì vậy, con người phải thông qua nghi lễ, phép thuật thờ cúng để duy trì mối quan hệ với cây trồng với con vật để cùng tồn tại. Đó là khát vọng làm ra nhiều bông cơm trái lúa, làm cho vật nuôi đông đàn dài lũ. 

Trước khi phát rẫy mới, bà con làm lễ cúng ma nương ruộng cậy nhờ thần linh coi nương rẫy để cây trồng sai bông trĩu hạt quả to. Đến mùa thu hoạch cúng tạ ơn trời đất. Cộng đồng làng bản cứ bốn năm một lần tổ chức lễ cầu mùa diệt trừ sâu bọ. Ngay việc thu hoạch mùa màng bà con cũng có nghi lễ chọn ngày tốt mở đầu mùa gặt hái. Bà con chọn đám ruộng tốt cắt bông trúc thành mẹ lúa, hồn lúa về treo ở bàn thờ, cột nhà.

Sau thu hoạch là lễ cúng hồn lúa. Hồn lúa mẹ lúa đem để vào nơi cất lúa giống cầu mùa cho vụ sau. Nhiều nơi trong lễ cấp sắc, tết nhảy bà con còn làm nghi thức tế mẹ lúa để cầu may. Người Dao tôn vinh mùa vụ bằng nghi thức cúng cơm mới nơi bàn thờ gia tiên. Họ khấn ma nhà, ma nương, thần nông để tạ ơn, cầu sự phù hộ độ trì để mùa màng bội thu. 

Trước mùa gieo cấy, nhà nào cũng có lễ cúng lúa giống để mở đầu cho mùa vụ mới. Đây là nghi thức cầu mùa phổ biến của nhiều cư dân vùng núi, trong đó có người Dao. Cúng xong cụ lúa, cùng hồn lúa, mẹ lúa vụ trước sẽ được tra hạt những hạt giống trước tiên mở đầu mùa vụ mới, mở ra chu kỳ sản xuất mới.

Ngày nay, tuy đã nhiều đổi thay, các nghi lễ có phần giản tiện hơn nhiều nhưng với người Dao Tây Bắc và Bắc Trường Sơn thì hình tượng mẹ lúa vẫn đậm nét chi phối mọi nghi thức tín ngưỡng sản xuất nông nghiệp. Phải chăng đây là nét đẹp truyền thống của cư dân nương rẫy bản địa ở nước ta./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT