Non nước Việt Nam

Người giữ lửa sắc bùa xứ Quảng

Cập nhật: 20/04/2020 12:00:19
Số lần đọc: 814
Suốt mấy chục năm sau giải phóng, cùng với nhiều lớp nghệ nhân khác ở Lệ Trạch (nay là Lệ Bắc), Thanh Châu, Cổ Tháp, Vĩnh Trinh (xã Duy Châu, Duy Hòa, huyện Duy Xuyên), ông Trương Xuân Phú đã có công khôi phục, giữ lửa mạch nguồn hát sắc bùa xứ Quảng...  


Ông Trương Xuân Phú đam mê với hát sắc bùa xứ Quảng. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Giữ mỹ tục của làng

Sắc bùa là loại hình văn hóa - nghệ thuật dân gian xứ Quảng, khá thịnh hành ở Duy Xuyên, Đại Lộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp với nhiều đội sắc bùa hình thành ở Lệ Trạch,  Vĩnh Trinh, La Tháp, Cổ Tháp (Duy Châu, Duy Hòa, huyện Duy Xuyên). Song, trải qua thời kỳ dài, nhiều đội sắc bùa tan rã, nhiều nơi biến mất, không còn duy trì, chỉ mỗi đội hát sắc bùa Lệ Bắc là còn tồn tại đến nay, phần lớn nhờ công lao lớn của ông Trương Xuân Phú (70 tuổi) - hiện là Chủ nhiệm CLB hát sắc bùa Lệ Bắc, trong việc gầy dựng phong trào.

Ông Trương Xuân Phú là truyền nhân đời thứ 4 của gia đình có 4 thế hệ đam mê sắc bùa ở làng Lệ Trạch. Ông Phú kể, ông cố, ông nội ông, rồi cha ông từng có nhiều ngày theo đoàn hát sắc bùa ra đi khi giao thừa chạm ngõ từng nhà, rồi mãi tới mùng 7, mùng 10, khi đã hết 3 ngày tết - 7 ngày xuân mới trở về. Ngày còn nhỏ, cứ dịp tết, ông và những bạn bè đồng lứa có những ngày chạy theo cha và bạn diễn của cha trong đội đi nhiều nhà, nhiều ngõ xóm và từ đó, những câu hát sắc bùa, tình yêu sắc bùa nảy nở.

“Thời đó sắc bùa thịnh hành, ai cũng tranh nhau mời đội sắc bùa xông đất đầu năm với mong ước đem lại sự may mắn. Sắc bùa cũng không kén giàu, nghèo, mà quý ở cái tình, quý ở lễ nghi, là mỹ tục đầu xuân” - ông Phú chia sẻ.

Ông Phú không chỉ thuộc rất nhiều bài sắc bùa, soạn lại nhiều bổn cũ, mà còn sáng tác thêm mấy chục bài hát cho phù hợp với xu thế thời đại mới... Bản thân ông Phú là chủ cái, là linh hồn của đội sắc bùa, bao phen, ông phải trổ tài ứng đối trước những tình huống mà gia chủ cố ý thử thách đội. Đó là, không ít lần đoàn tới cổng ngõ, gia chủ cố ý tắt điện, đóng cổng không mở. Ông chủ cái vừa gõ trống vừa hát: “Bấy lâu nay ngõ để chờ ai/Giờ chừ mà ta tới ngõ gài khăng khăng/Bấy lâu nay ngõ để ớ chờ trăng/Mà giờ chừ ta tới khăng khăng ngõ cài/Trong nhà có cậu hay là trai/Cho ra mở ngõ chúng tôi vô nhà”; lập tức chủ nhà ra mở ngõ.

Khi vào sân, gia chủ lại tiếp tục không mở cửa nhà, chủ cái lại tiếp tục hát: “Mở ngõ đà đặng chân bước vào đây/Phải ơn trước chủ sau thầy mở cửa này khai môn”, lập tức chủ nhà mở cửa. Rồi sau khi vào nhà, đội thực hiện lễ nghi “Dâng hương”, “Chúc Xuân”, hay “Chúc thọ” người già, tùy mỗi điều kiện của gia chủ, có thể hát các bài cho phù hợp với gia chủ, sở thích của từng gia chủ...

Nỗi niềm nghệ nhân

Lâu nay, đoàn sắc bùa Lệ Bắc phải tự lực cánh sinh, các thành viên đội tự biên, tự diễn, tự đầu tư trang phục, đạo cụ phục vụ bà con thì nay, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương, của ngành văn hóa, đội được hỗ trợ vật chất và tinh thần như: áo, khăn, trống, sinh tiền...

Từ chương trình cấp bộ, các nghệ nhân Lệ Bắc, Thanh Châu đã nỗ lực tập luyện hát, biểu diễn sắc bùa cho 50 học viên địa phương và sau khi tổng kết lớp học, còn được 30 học viên. Tại lớp học này, các nghệ nhân của làng Lệ Bắc như Nguyễn Xuân Phú, Trương Văn Tám, Võ Văn Sáu, Nguyễn Đồng tham gia truyền dạy cách sử dụng một số nhạc cụ biểu diễn khi hát sắc bùa như sinh tiền, phách tre, trống. Đồng thời truyền dạy một số điệu cơ bản, bài hát như “Mở ngõ”, “Quê hương ăn tết”, “Tưởng nhớ công ơn liệt sĩ”, “Dâng hương”, “Từ tạ”… Đây là tín hiệu vui để sắc bùa được gìn giữ và tồn tại trong đời sống tinh thần của người dân vùng quê Duy Xuyên nói riêng, xứ Quảng nói chung mỗi dịp tết đến xuân về…

Theo ông Trương Xuân Phú, nhiều nghệ nhân trong CLB rất muốn truyền nghệ thuật văn hóa dân gian này cho người trẻ, nhưng ít người theo vì không đam mê. Ngay gia đình ông Phú, một gia đình có 4 thế hệ am tường nghệ thuật sắc bùa, nhưng các con ông Phú vẫn không thể tiếp nối truyền thống cha ông.

“Chúng tôi cố gắng phải duy trì ít nhất 7 người trong đội mới biểu diễn được. CLB cũng cố gắng đào tạo thêm, nhìn chung các học viên hát rất tốt, nhưng có dành tâm huyết với sắc bùa không thì khó chắc chắn được. Qua các đêm giao thừa, tôi nhận thấy, tình cảm của bà con làng quê đối với đội còn nồng hậu lắm, chỉ mong đội ít nhất duy trì biểu diễn được đêm giao thừa. Đó là truyền thống, mỹ tục cần gìn giữ, đắp bồi” - ông Phú tâm sự./.

 

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT