Non nước Việt Nam

Nét đẹp trong đám cưới của người Mông trắng

Cập nhật: 24/04/2020 14:03:40
Số lần đọc: 1115
Đám cưới văn minh, tiết kiệm; nghi lễ đơn giản, cắt giảm nhiều thủ tục rườm rà; nhiều hủ tục như ép rượu, cưới kéo dài nhiều ngày... cũng không còn. Đó là nét đẹp trong đám cưới của người Mông trắng ở Tuyên Quang.


Chị Giàng Thị Sao, tổ 4, thị trấn Na Hang trong trang phục truyền thống của người Mông trắng.
Đây cũng là trang phục được phụ nữ Mông mặc trong ngày cưới.

Ông Hoàng Văn Tú, người Mông trắng ở thôn Lũng Khiêng, xã Sinh Long, Na Hang được nhiều gia đình người Mông trắng trong thôn tín nhiệm làm trưởng đoàn đi hỏi vợ cho con, cháu trong gia đình. Bởi ông không chỉ am hiểu các phong tục tập quán của dân tộc Mông trắng và còn tuyên truyền, vận động giúp bà con thay đổi những tập tục không còn phù hợp.

Theo ông Tú, mặc dù đám cưới của người Mông trắng ngày nay có nhiều thay đổi nhưng vẫn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống. Con trai, con gái Mông trắng sau khi đã tìm hiểu và có tình cảm với nhau thì chàng trai đến gia đình cô gái xin phép đón cô gái về nhà.

Nếu bố mẹ cô gái nhất trí sẽ đón tiếp chu đáo và làm cơm nắm đi đường cho đôi trẻ. Sau khi đến ở nhà chàng trai 3 ngày thì bố mẹ chàng trai đưa hai bạn trẻ sang gia đình nhà gái trao đổi, thống nhất kết thông gia và bàn việc cưới xin. Sau cuộc gặp mặt này, nhà trai sẽ lo tiền, nuôi lợn, gà... để chuẩn bị lễ ăn hỏi.

Khi có đủ của cải, bố mẹ nhà trai nhờ hai quan lang nam, nữ (người đại diện) có tài ăn nói, chọn ngày lành tháng tốt sang nhà gái bày tỏ ý định làm lễ ăn hỏi. Đoàn nhà trai khi đi sang nhà gái ngoài rượu, gạo, gà, thịt lợn... thì phải có Thanh pa (là chiếc khăn rằn của người phụ nữ dân tộc Mông) có ý nghĩa là vật báo hỷ với tổ tiên hai bên vừa tượng trưng cho sự nhất trí của bên nhà trai trong việc dạm hỏi, cưới xin.

Đặc biệt, người Mông trắng có tục lệ trên đường đi sang nhà gái hay đón dâu về dù gần hay xa nhất định nhà trai phải nghỉ chân ăn dọc đường. Trước khi ăn sẽ cúng thổ thần, thổ địa, ma rừng nơi dừng chân để các vị thần phù hộ cho đi đến nơi về đến chốn. Nếu trên đường đi gặp đám ma hay có tiếng sấm họ sẽ quay về và để lần khác đi. 

Trước đây người Mông trắng không mời cưới bằng thiếp mà đến tận nhà mời và người được mời thường đưa cả nhà đến dự đám cưới. Hiện nay, với những người cùng thôn, anh em, họ mạc thì họ vẫn đến tận nhà mời; còn thiếp cưới chỉ gửi cho khách ở xa.

Chị Giàng Thị Sao, dân tộc Mông trắng, tổ 4, thị trấn Na Hang chia sẻ: Người Mông trắng quan niệm, khi đã lấy chồng thì phải theo chồng nên vợ chồng người Mông thường gắn bó với nhau “như hình với bóng” trong mọi việc: Lên nương, đi chợ, thăm họ nội ngoại, chơi lễ, Tết... Đây cũng là yếu tố giúp gắn kết tình cảm gia đình, dòng tộc, từ đó tạo nên một cộng đồng người Mông luôn đoàn kết từ đời này sang đời khác và là nét đẹp văn hóa rất đỗi tự hào của người Mông./.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT