Non nước Việt Nam

Phong tục “khẩu lẩu” của người Nùng ở Cao Bằng

Cập nhật: 28/04/2020 09:02:36
Số lần đọc: 1314
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, một số phong tục độc đáo trong văn hóa của người Nùng ở Cao Bằng vẫn được người dân bảo tồn và phát huy, trong đó có phong tục “khẩu lẩu”.


Đám cưới của người Nùng xã Ngọc Động (Quảng Hòa).

“Khẩu lẩu” tiếng Nùng là “rượu gạo”, đây là phong tục có từ rất lâu đời. Trong văn hóa của người Nùng, khi trong dòng tộc, họ hàng gần gũi của gia đình có việc quan trọng (cưới xin, ma chay, thôi nôi, mừng thọ, tân gia...), những người trong họ hàng sẽ làm mâm “khẩu lẩu” mang đến cho gia đình.

Theo quan niệm của người Nùng, “khẩu lẩu” là mâm lễ được họ hàng trong gia đình mang đến để góp giúp. Ngày xưa thiếu thốn, gia đình khi có việc không thể lo đủ rượu, gạo làm cơm mời khách, mỗi người trong họ hàng mang gạo, rượu góp lại tạo điều kiện cho gia đình có đầy đủ vật chất tổ chức buổi lễ. Mâm lễ vừa thể hiện tình đoàn kết, tương trợ, đùm bọc của dòng tộc, vừa thể hiện sự giàu sang, phú quý của gia đình.

Tùy theo từng địa bàn, một số phong tục được cải biên cho phù hợp với xã hội hiện tại. Mâm lễ “khẩu lẩu” trong đám cưới khác với đám ma. Trong đám cưới, họ hàng thường mang một gánh đồ đến, trong đó có 4 bơ gạo, 2 lít rượu (gọi là “tháp khẩu lẩu”). Người từ xa đến dự cưới thường kèm theo một trẻ nhỏ, nếu gia đình không có trẻ nhỏ có thể nhờ trẻ em của gia đình khác đi gánh hộ, tiếng địa phương là “pây thư tháp”.

Khi đi, người lớn gánh đồ dự cưới, nhưng đến đầu làng nhường cho trẻ nhỏ gánh đến trước bậc cầu thang của nhà sàn. Gia đình cử người đón gánh đồ mang vào nhà, khi đám cưới kết thúc, gia đình trả lại gánh đồ, trong đó có vài lạng thịt lợn, hoặc chân giò, gói xôi, bánh dày...

Khác với đám cưới, đối với đám ma, họ hàng đến dự phải có một con gà luộc (hoặc một miếng thịt lợn, hoặc thủ lợn luộc), 2 lít rượu, mâm xôi, 1 bó hương, phong bao đựng tiền. Ngoài ra, tùy theo điều kiện của từng gia đình có thể mang thêm 10 ống gạo, 10 lít rượu... Mâm cúng được trả lại một nửa, nếu là gà thì trả lại phần nào có đầu, còn xôi và rượu không cần trả lại.  

Số gạo, rượu đó được gia chủ ghi chép vào sổ cẩn thận, để khi nào nhà khác có việc, gia đình lại đi “khẩu lẩu” trả lại cho họ. Đây là một hình thức giúp đỡ lẫn nhau bằng hiện vật, đỡ đần phần nào chi phí cho gia chủ khi nhà có công việc. Ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, phong tục này thật có ý nghĩa, thể hiện tính cộng đồng rất cao của cư dân nơi đây.

Cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, nhiều phong tục trong văn hóa của người Nùng cũng đã thay đổi, không còn nguyên vẹn như xưa. Bây giờ người con gái không còn phải đợi đến khi có con mới về nhà chồng, hoặc nhà gái không còn đòi hỏi nhà trai quá nặng về lễ vật… Các phong tục bây giờ ngày càng đơn giản hóa, văn minh hơn song vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT