Non nước Việt Nam

Độc đáo lễ “pút tồng” của người Dao Đỏ Cao Bằng

Cập nhật: 26/05/2020 09:27:21
Số lần đọc: 2504
Dân tộc Dao Đỏ ở Cao Bằng có truyền thống văn hóa phong phú và giàu bản sắc, trong đó có nghi lễ “pút tồng” - một nghi lễ linh thiêng và quan trọng bậc nhất của những người làm thầy cúng với nhiều nghi thức độc đáo.


Màn tắm than trong lễ “pút tồng” của người Dao Đỏ xã Bình Lãng (Hà Quảng).

Theo tiếng Dao Đỏ, “pút tồng” (lễ “tắm than”) có nghĩa là một điệu nhảy xuất thần, thể hiện sự hòa quyện giữa cõi dương và âm trong tiếng kèn pí lè, tiếng trống âm vang với mục đích đón tổ tiên, thần linh dành cho những người đã làm thầy cúng nhưng chỉ sau khi thực hiện đủ 3 lần lễ “pút tồng” mới được sư phụ truyền nghề để có thể đứng ra làm chủ các buổi lễ “pút tồng” sau này. Đồng thời, cộng đồng người Dao Đỏ quan niệm những thầy cúng sau khi trải qua lễ “pút tồng” sẽ càng có năng lực giao tiếp với thần linh và ông bà tổ tiên, được cộng đồng người Dao Đỏ thêm kính trọng.

Nghệ nhân Trịnh Kiểm Pu, xã Vũ Minh (Nguyên Bình) dành cả đời để lưu giữ, bảo tồn kho tàng văn hóa truyền thống của người Dao Đỏ. Ông đã trực tiếp trải qua 3 lần làm lễ “pút tồng” khi mới ở độ tuổi trên 20 và có kinh nghiệm hơn 30 năm làm thầy mo đã tham gia, chủ trì rất nhiều lễ “pút tồng” khác, cho biết: Lễ “pút tồng” là nghi lễ rất linh thiêng của người Dao Đỏ, thường chỉ tiến hành vào hai ngày trong năm (ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Giêng âm lịch) được tổ chức tại nhà những người làm nghề thầy mo.

Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Dao Đỏ, việc chuẩn bị được thực hiện trước khi tổ chức khá lâu, chu đáo, nghiêm túc cả về lễ vật và đạo cụ. Lễ vật dâng cúng chính có gà, rượu, gạo, bánh trái; nghi lễ gồm: tranh thờ, kiếm, bùa, trang phục thầy cúng, cờ, binh khí. Lễ “pút tồng” có nhiều nấc bước, điều đặc biệt là dùng các động tác nhảy múa để thay cho các phần nghi lễ cúng bái. Các điệu nhảy thực hiện nối tiếp nhau trong suốt tiến trình nghi lễ, phần cầu khấn cũng được mô tả trong các điệu nhảy.

Trong suốt thời gian làm lễ “pút tồng”, người thực hiện tắm than phải ngồi bên cạnh thầy mo chủ trì buổi lễ để làm lễ cho đến khi thần linh đồng ý cho nhảy lửa. Đợi đến khi ngọn lửa tắt, chỉ còn một đống than đỏ rực thì cơ thể của những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên là sẵn sàng nhảy vào đống than đỏ hồng đang bốc nhiệt. Lúc này thầy mo làm nhiệm vụ chỉ dẫn, dẫn đầu trong màn nhảy lửa, đồng thời tay cầm thanh tre gõ để thôi thúc tinh thần, dũng khí của người tham gia tắm than thực hiện tắm than khi nhảy lửa.

Khi bước chân vào giữa đống than, thầy mo và những người tắm than như có một nguồn năng lượng nào đó đưa bước chân của họ lao vào giữa đám than đang cháy đỏ rực. Họ nhảy múa với đôi chân trần trong đống lửa mà không hề có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi. Khi nhảy vào than lửa, người làm lễ “pút tồng” tâm niệm sẽ không vướng bận đến bụi trần, dùng than đỏ để xua đuổi, gột rửa ra khỏi người.

Xong phần nhảy lửa (khoảng 30 phút), thầy mo báo cáo với tổ tiên để nói cảm ơn, đồng thời tuyên bố với thần linh, dòng họ và dân làng rằng từ nay người vừa tắm than được tổ chức lễ “pút tồng” sẽ chính thức truyền dạy các nghi lễ, có khả năng giao tiếp với thần linh cũng như có thể đứng ra làm lễ “pút tồng” cho người khác.

Dù mang nhiều màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng nghi lễ “pút tồng” của dân tộc Dao Đỏ là một minh chứng cho sức mạnh, khả năng chế ngự, khuất phục thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người./.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT