Bảo tồn không gian văn hóa làng biển Quảng Nam trước sức ép đô thị hóa
Nghi lễ rước nghinh thần trước biển tại Lễ Cầu ngư. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Tuy nhiên, những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế vùng ven biển, sức ép lớn từ hạ tầng du lịch, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, không gian văn hóa làng biển thu hẹp dần. Điều này đang đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống này.
Hằng năm, để chuẩn bị mùa mở biển đầu năm, những làng biển ở Hội An, Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn quyên góp phẩm vật, cúng tế thần linh, diễn xướng hát bã trạo dân gian với sự háo hức tham gia của cả cộng đồng.
Nét văn hóa độc đáo này không chỉ là hoạt động có tính bắt buộc trước mỗi mùa biển mà còn trở thành một sản phẩm du lịch được nhiều công ty lữ hành khai thác tour du lịch, được du khách ưa chuộng.
Lễ Cầu Ngư là phong tục mang tính tâm linh của ngư dân miền biển Quảng Nam. Từng vùng, từng địa phương đều có những nghi lễ riêng, tùy thuộc vào đặc trưng của từng vùng biển nhưng đều nhằm gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng ý thức tương trợ lẫn nhau khi làm ăn trên biển và cầu mong mưa thuận gió hòa.
Ông Nguyễn Trường, Vạn trưởng vạn chài thôn Lộc Đông, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức Lễ cầu ngư để mưu cầu cuộc sống người dân được tốt lành, công việc làm ăn được tài lợi, ngư dân ra khơi gặp trời yên biển lặng, tiến lên xây dựng một xã hội mới, nông thôn mới phát triển bền vững, gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại.”
Ngày nay, nghi lễ này không còn chỉ trong phạm vi làng xã mà đã trở thành lễ nghi, kết nối rộng lớn hơn giữa các vạn chài.
Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch Jack Tran Tours Trần Văn Khoa cho biết, tổ chức những tour du lịch sinh thái văn hóa gắn với sông nước miền biển, là loại hình du lịch độc đáo, nhất là đối với du khách đến từ thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Với việc thường xuyên tổ chức các tour du lịch khai thác không gian văn hóa làng biển, người nước ngoài biết về nét tâm linh miền biển với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho thuyền đầy cá đi lại an toàn trên biển trong quá trình sản xuất và gắn liền với đời sống tinh thần của người dân miền biển.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam ưu tiên phát triển kinh tế biển. Một số dự án bắt đầu hình thành mang lại thu nhập đáng kể, thay đổi cuộc sống người dân ven biển.
Đi cùng với những dự án lớn đang được xây dựng là hàng nghìn hécta đất bị thu hồi, nhiều làng chài ven biển được sắp xếp lại, không gian sống của văn hóa làng biển theo đó cũng thu hẹp dần.
Tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng đến công tác gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, bảo vệ, phát huy di sản tinh thần cho nhân dân vùng ven biển. Tuy nhiên hiện nay, văn hóa vùng biển Quảng Nam đang ngày càng chịu sức ép nặng nề về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và các lợi ích khác.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhấn mạnh: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của không gian văn hóa, không gian sinh tồn để vừa góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch biển đảo, gắn liền với bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa trước sức ép của các điều kiện tự nhiên, xã hội là những nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài không chỉ riêng của một ngành nào, đó là nỗ lực chung của tỉnh Quảng Nam trong hiện tại và tương lai.
Những hoạt động lễ hội đầu năm phần nào góp phần làm nên cốt các, tâm hồn khoáng đạt của người dân làng biển nói riêng, người xứ Quảng nói chung.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chia sẻ: Quảng Nam cần kiên định với quy hoạch bảo tồn để giữ được các giá trị văn hóa phi vật thể trước khi nói đến việc giáo dục hay hỗ trợ cộng đồng.
Người làng biển sẽ không cần hỗ trợ nhiều nếu như không gian sống được đảm bảo, bởi vì còn cộng đồng tức là sẽ còn di sản.
Quảng Nam đã có đột phá, một cách nhìn khác so với rất nhiều tỉnh miền Trung là đặt ra câu chuyện phát triển chiến lược lồng ghép văn hóa vào du lịch, thay vì phát triển du lịch để thúc đẩy kinh tế. Sức ép của đô thị hóa càng ngày càng lớn, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống phải càng quyết liệt hơn.
Ở hướng tiếp cận khác, bà Lê Thị Minh Lý, Trung tâm nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam đề xuất: Để bảo tồn, phát huy các giá trị của không gian văn hóa làng biển, trước mắt cần có dự án để kiểm đếm các tập quán thực hành ven biển.
Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu sẽ biên tập lại thành những danh mục, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, từ đó phát huy được giá trị của văn hóa truyền thống, còn những gì mà không thể gìn giữ được nữa hoặc không còn phù hợp, tư liệu hóa nó để lưu lại trong ký ức.
Không gian sống của văn hóa làng biển dần thu hẹp, bản sắc văn hóa phi vật thể đang dần bị phai nhạt./.