Tin tức - Sự kiện

Hải Phòng: Khai quật khảo cổ 13 cọc gỗ phát hiện tại Thủy Nguyên

Cập nhật: 20/02/2020 08:38:15
Số lần đọc: 846
Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, Ủy ban Nhân dân huyện Thủy Nguyên khai quật khảo cổ khẩn cấp tại khu vực ao cá nhà ông Đào Văn Đến, thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.


Hiện trường bãi cọc gỗ được khai quật. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Thời gian khai quật từ ngày 18/2 đến ngày 31/3/2020; diện tích khai quật là 400m2.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu trong thời gian khai quật 13 cọc gỗ, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của Ủy ban Nhân dân thành phố và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc; đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng phương án bảo vệ, phát huy giá trị những hiện vật đó.

Trước đó, theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Thủy Nguyên, ngày 9/2/2020, gia đình ông Đào Văn Đến, thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng trong quá trình bơm nước thu hoạch cá đã phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao của gia đình.

Ngày 12/2/2020, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thủy Nguyên tiến hành khảo sát khu vực phát hiện cọc và cho rằng các cọc gỗ tại ao nhà ông Đào Văn Đến có giá trị trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288.

Khu vực phát hiện các cọc gỗ đang là ao nuôi cá của người dân, một số cọc đã bị hủy hoại, không được bảo vệ.

Ngày 17/2, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng có tờ trình đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cấp phép khai quật khẩn cấp tại địa điểm phát hiện 13 cọc gỗ tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng để các hiện vật không bị hủy hoại, tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể trận chiến trên sông Bạch Đằng được kịp thời, hiệu quả.

Tháng 12/2019, thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học báo cáo kết quả khai thác bãi cọc Cao Quỳ (bãi cọc này cũng được người dân phát hiện) trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang, xã Liên Khê, Hải Phòng.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đầu ngành đã khẳng định bãi cọc tìm thấy tại Hải Phòng có niên đại gần 1.000 năm tuổi, gắn với trận chiến Bạch Đằng và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT