Non nước Việt Nam

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch Quảng Ninh

Cập nhật: 16/12/2020 08:17:10
Số lần đọc: 869
Tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư tôn tạo, bảo vệ các di tích, các di sản văn hóa để tạo nên những điểm nhấn, sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt.


Lễ khai mạc “Yên Tử - về miền đất Phật mùa thu 2020”. Sự kiện diễn ra từ 11/11 đến 16/12 sẽ trở thành hoạt động thường niên.

Quảng Ninh có hệ thống di tích, di sản văn hóa đa dạng được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động văn hóa, lễ hội không được tổ chức, các di tích, thắng cảnh một thời gian dài không mở cửa đón khách. Tận dụng thời gian này, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư tôn tạo, bảo vệ các di tích, các di sản văn hóa. Chuyến biến linh hoạt đó đã tạo nên những điểm nhấn, sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch Quảng Ninh.

Quảng Ninh đánh thức giá trị các di sản văn hóa

Nằm phía tây núi Cao Xiêm với độ cao từ 300 - 600m, ruộng bậc thang ở xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút du khách đến chiêm ngưỡng, tham quan. Vào vụ gặt, lúa chín vàng ươm khoe sắc cùng sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, Sán Chỉ, Tày ở Bình Liêu khiến du khách thích thú khám phá. Không chỉ đẹp về cảnh sắc, ruộng bậc thang đã gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tập quán canh tác, phong tục tín ngưỡng lâu đời của người dân Bình Liêu. Đây cũng là những dấu ấn để ruộng bậc thang Lục Hồn được công nhận là Di tích - danh thắng cấp tỉnh.

Chị Ngô Thị Lý, du khách đến từ thành phố Cẩm Phả cảm nhận: “Đến với Bình Liêu, cảm giác đầu tiên của tôi về vùng đất này là sự hùng vỹ. Những cánh đồng lúa vàng đẹp đẽ với hương thơm dịu êm lan tỏa, không có gì có thể diễn tả ngoài hai chữ tuyệt vời.”

Với 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua Bình Liêu đã đầu tư xây dựng các làng, bản văn hóa, phục dựng một số sinh hoạt văn hóa dân gian như hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày, hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ, lễ hội đình Lục Nà... Đó là những sản phẩm du lịch hấp dẫn, khẳng định dấu ấn, hình ảnh du lịch đặc trưng của huyện biên giới này.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh nói: “Chúng tôi đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và mở các lớp đào tạo cho người dân là những người trực tiếp tham gia vào phát triển các sản phẩm du lịch của Bình Liêu. Chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác các sản phẩm du lịch có thế mạnh như ruộng bậc thang, thiên đường cỏ lau, hình ảnh về hoa sở... Điều khác biệt của du lịch Bình Liêu đó là khi thời điểm cả nước cũng như 1 số địa phương khác là thấp điểm của du lịch thì thời điểm thu đông sẽ là thời điểm để chúng tôi khai thác giá trị khác biệt của địa phương”.

Phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tích cực đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích, danh thắng nhằm phát huy giá trị các di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch. Lễ Đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà được UBND huyện Ba Chẽ tổ chức vào cuối tháng 12 năm 2020 cũng nhằm khẳng định và giới thiệu giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và tâm linh của di tích lịch sử này trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại quân Nguyên Mông của Vua tôi nhà Trần ở thế kỷ XIII.

Đặc biệt, Lễ hội Bàn Vương, với chủ đề "Tiếng gọi tổ tiên nơi cửa biển" một nghi lễ quan trọng của người Dao Việt Nam lần đầu được phục dựng, tổ chức chính là một phần của thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng” của tỉnh Quảng Ninh.

Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Ba Chẽ cho biết: “Lễ hội được tổ chức với ý nghĩa vừa bảo tồn phát huy giá trị di tích, danh thắng và các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời có các hoạt động của nghi thức lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao, các hoạt động dân ca, dân vũ và giao lưu giữa các nghệ nhân trên các tỉnh thành với nghệ nhân của của các dòng dân tộc Dao của huyện Ba Chẽ. Các sự kiện được tổ chức đều nằm trong những chuỗi hoạt động kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh nhằm quảng bá, giới thiệu, du khách đến với địa phương”.

Di tích, di sản của Quảng Ninh rất đa dạng, phong phú về loại hình, tính chất. Yên Tử chính là một điển hình trong việc di tích được chung tay bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách. Khoảng 10 năm qua, Yên Tử được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng cho hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và công tác tôn tạo.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, lượng khách du lịch đến Yên Tử đầu năm 2020 sụt giảm, tuy nhiên tỉnh Quảng Ninh đã có những chuyển động ấn tượng. Chuỗi hoạt động Yên Tử - Về miền đất Phật mùa thu, tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông 2020 với rất nhiều những hoạt động điểm nhấn tạo nên sự lan tỏa, sức hút đối với phật tử, du khách trong cả nước đến với Quảng Ninh.

Cũng như phần đông du khách lâu nay quen đến với Yên Tử vào mùa lễ hội đầu xuân, chị Nguyễn Thanh Nga, du khách đến từ Hà Nội cảm nhận khi lần đầu được đến Yên Tử vào mùa thu: “Đến với Yên Tử chúng tôi cảm thấy đặc biệt xúc động vì có một không khí khác biệt. Yên Tử giờ đây đã trở lên khang trang, vẫn mang không khí của miền đất thiêng nhưng được đầu tư quy củ, bài bản hơn, tạo ra rất nhiều tiện ích cho du khách trong những chuyến du lịch tâm linh về miền đất Phật, theo chân Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông”.

Quảng Ninh có trên 630 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, như Di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều); Quần thể di tích danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí); Di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên); Di tích đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả).. .Hiện khoảng 120 di tích đã nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh khẳng định, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, di sản đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch: “Tôi cho rằng văn hóa là nền tảng phát triển của xã hội, đặc biệt là nền tảng phát triển du lịch. Ngành du lịch chúng tôi kỳ vọng rất nhiều từ lĩnh vực văn hóa, không chỉ là văn hóa đơn thuần mà phải từng bước trở thành nghành công nghiệp văn hóa, khi đó chúng ta mới tạo ra sức hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Điều đó không chỉ dựa vào nhận thức của người dân mà phải là sự thay đổi tư duy của cả cơ quan quản lý nhà nước. Việc phát triển phải trú trọng sự hài hòa, vẫn giữ được bản sắc dân tộc nhưng không nhàm chán, phải có nét mới để hấp dẫn du khách”.

Hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị của du lịch Quảng Ninh. Đó sẽ là tiền đề để du lịch Quảng Ninh bứt phá trong thời gian tới, mang lại những cảm xúc lắng đọng cho du khách thập phương./.

Nguồn: VOV.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT