Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi

Cập nhật: 15/12/2020 07:52:22
Số lần đọc: 796
Thời gian tới, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, huy động các nguồn lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, khai thác có hiệu quả di sản nghệ thuật Bài chòi.


Bài chòi của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh internet

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở khu vực duyên hải miền Trung, về sau được dân gian phát triển thêm thành một loại hình sân khấu ca kịch. Cuối năm 2017, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận nghệ thuật Bài chòi của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tại Phú Yên, đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2023 đặt ra mục tiêu 60% xã, phường, thị trấn vùng ven biển có câu lạc bộ Bài chòi; 30% xã, phường, thị trấn vùng đồng bằng và miền núi có câu lạc bộ Bài chòi; 60% xã, phường, thị trấn có tổ chức hội chơi bài chòi vào dịp lễ hội hoặc ngày Tết cổ truyền của dân tộc; xây dựng được 5 điểm biểu diễn nghệ thuật Bài chòi.

Để đạt được điều này, địa phương tập trung tổ chức kiểm kê, tư liệu hóa di sản nghệ thuật Bài chòi; tổ chức truyền dạy và thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi; mở trại sáng tác Bài chòi để có nhiều tác phẩm mới có nội dung tốt, phục vụ các nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Định kỳ hàng năm tổ chức tôn vinh các nghệ nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi; có chính sách khen thưởng xứng đáng cho các nghệ nhân, câu lạc bộ Bài chòi và các địa phương có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi.

Ngoài ra, đề án này còn đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ, hội đánh bài chòi, các nghệ nhân tập luyện và trao truyền nghệ thuật Bài chòi; trong đó chú ý hỗ trợ kinh phí xây dựng và phát triển các câu lạc bộ Bài chòi ở cơ sở, nhất là các huyện miền núi. Đưa nội dung di sản nghệ thuật Bài chòi vào chương trình giáo dục trung học trên địa bàn tỉnh.

Tại Khánh Hòa, Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Khánh Hòa” được triển khai với kinh phí hơn 6,7 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương.

Đề án nhằm huy động mọi nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Khánh Hòa; xây dựng giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai thực hiện Đề án tại 6 địa phương trên địa bàn tỉnh (các huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa và hai thành phố Nha Trang, Cam Ranh) để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa lâu dài và bền vững.

Sau 6 tháng triển khai (từ tháng 5/2020 đến nay), đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, tạo tiền đề cho việc thực hiện các nội dung tiếp theo của đề án.

Cụ thể, việc tuyên truyền về di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi đã được thực hiện trên Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Cổng thông tin điện tử tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở. Sở Văn hóa và Thể thao đã bắt tay phục dựng một số tuồng, tích tiêu biểu về nghệ thuật bài chòi dân gian do các nghệ nhân tiêu biểu diễn xướng. Trên cơ sở đó, thực hiện việc quay phim tư liệu, in sang đĩa DVD nhằm lưu trữ, quảng bá, tuyên truyền.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã triển khai hoạt động tuyên truyền sân khấu hóa học đường với nghệ thuật bài chòi trong trường học. Trung tâm đã đến 15 trường THCS, THPT ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh để thực hiện.

Từ năm 2021, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh sẽ sưu tầm, tư liệu hóa các tài liệu, hiện vật về kịch bản bài chòi, các lớp hô, tuồng, tích, nhạc cụ, trang phục của nghệ thuật bài chòi để bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh; nghiên cứu hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu về tư liệu, công trình nghiên cứu, nghệ nhân, câu lạc bộ diễn xướng bài chòi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi. Đơn vị sẽ phối hợp với Sở Du lịch và các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu đưa nghệ thuật bài chòi thành dịch vụ để phục vụ du khách.

Nguồn: Báo Chinh Phủ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT