Hoạt động của ngành

Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Phú Bình (Thái Nguyên)

Cập nhật: 13/10/2020 08:17:13
Số lần đọc: 1751
Trên địa bàn huyện Phú Bình hiện có 54 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 7 di tích cấp Quốc gia và 47 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân địa phương đã nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích này.

Đại diện UBND xã Tân Thành trao đổi với Ban Quản lý Khu di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối về công tác bảo tồn, trùng tu.

Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối ở xã Tân Thành (Phú Bình) tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải, cây cối tươi tốt. Bên cạnh cảnh quan, khu vực xung quanh được xây dựng khang trang nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm của một công trình lịch sử - văn hóa.  Ngồi dưới tán cây Trâm Mai cổ thụ, cành lá xum xuê tỏa bóng trước cửa chùa Cầu Muối, trong không khí thâm nghiêm, ông Dương Văn Sáy, 87 tuổi, thành viên Ban Quản lý Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối  chia sẻ: Tôi là người làng Cầu Muối, từ bé đã biết quần thể di tích này. Trước đây, ngôi đình, đền, chùa đều rất nhỏ, tường đất, nhiều chỗ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Sau này, người dân địa phương hò nhau góp gạch để sửa chữa, tu bổ một số chỗ xuống cấp nhưng diện mạo công trình vẫn rất hạn chế. Mỗi năm, đến dịp lễ, hội, bà con đều phải bắc rạp ở sân trước để tế lễ, mở hội.

Từ năm 2005, khi Cụm di tích được công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh thì tình trạng này đã có nhiều thay đổi. UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu di tích về sử dụng đất, bố trí không gian kiến trúc cảnh quan với tổng diện tích gần 36 ha. Địa phương đã thành lập lựa chọn những người tâm huyết vào Ban Quản lý và phân công nhiệm vụ, hoạt động theo quy chế. Quỹ công đức được quản lý chặt chẽ, chỉ chi cho các hoạt động thường xuyên và đặc biệt là dùng để trùng tu, xây dựng các công trình trong quần thể. Vì vậy, hiện nay chùa, đình, đền Cầu Muối được trùng tu khang trang, đẹp đẽ, giữ vững giá trị vốn có của di tích.

Cũng như Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối, những năm qua, nhiều di tích khác trên địa bàn huyện Phú Bình đều được quan tâm bảo vệ, tu bổ, tôn tạo hiệu quả. Trong 6 năm (từ năm 2015 đến tháng 9-2020), trên địa bàn huyện đã có 14 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh đầu tư trên 9 tỷ đồng, ngân sách địa phương và xã hội hoá là khoảng 15 tỷ đồng.

Ông Đàm Thế Hà, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Bình cho biết: Toàn bộ quá trình tôn tạo được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quy mô và giá trị vốn có của di tích. Song song với tu bổ, tôn tạo, huyện cũng đã chỉ đạo chặt chẽ công tác trông coi, bảo vệ, giữ gìn các cơ sở vật chất, cổ vật thuộc các di tích; yêu cầu theo dõi hiện trạng và kịp thời báo cáo với cấp trên khi xảy ra trường hợp hư hỏng, xuống cấp cơ sở vật chất để kịp thời có kế hoạch trùng tu, khắc phục…

Chỉ tính riêng năm 2020, Phòng Văn hóa Thông tin đã tham mưu cho UBND huyện đề nghị các cấp quan tâm, đầu tư, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện, đặc biệt là các di tích cấp Quốc gia và cấp tỉnh đã xuống cấp do tác động của thời gian, theo thứ tự ưu tiên: Đình Xuân La (xã Xuân Phương); đình Phương Độ (xã Xuân Phương); chùa Ca (xã Kha Sơn); chùa Thượng Đình (xã Thượng Đình); chùa Lũ Yên (xã Đào Xá). Việc quan tâm bảo vệ, tu bổ các di tích, hình thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa cũng đã giúp phát huy giá trị di tích, thu hút du khách đến tham quan du lịch, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, toàn huyện đã thu hút trên 10.000 lượt khách tới tham quan du lịch, trải nghiệm lịch sử, văn hóa...

Bà Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin: Nhận thức việc bảo tồn các di sản, di tích là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, trong những năm qua, huyện Phú Bình đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về di tích, đảm bảo các di tích được giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị. Không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, các hiện vật tại di tích được bảo quản và lưu giữ, không tiếp nhận và đặt những hiện vật lạ, linh vật ngoại lai tại các di tích. Các di tích đã được xếp hạng đều được thành lập Ban Quản lý và hoạt động theo quy chế phân cấp quản lý do UBND tỉnh ban hành. Do đó, công tác bảo tồn, tôn tạo, quản lý, khai thác giá trị các di tích lịch sử - văn hóa đã đi vào nền nếp. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa vai trò của các di tích lịch sử, hình thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa, gắn với giáo dục truyền thống và phát triển du lịch của huyện.

Minh Khuê
Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục