Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy nghề thêu, may trang phục dân tộc Mông ở Vân Hồ, Sơn La

Cập nhật: 05/04/2021 08:29:25
Số lần đọc: 679
Đồng bào dân tộc Mông ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La luôn chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghề thêu trang phục thổ cẩm của dân tộc mình.


Nghề thêu, may trang phục truyền thống được người dân tộc Mông truyền từ đời này qua đời khác.

Gia đình chị Tráng Thị Dua, dân tộc Mông ở bản Pa Kha, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ đã làm nghề thêu, may trang phục dân tộc mình từ nhiều năm nay và chị rất yêu nghề này. Không chỉ phục vụ gia đình, chị còn mở một cửa hàng kinh doanh với nhiều trang phục nam, nữ Mông các loại, phục vụ bà con trong xã, bản. Ngoài các nét hoa văn truyền thống, chị còn tìm tòi, học hỏi trên mạng internet những hoa văn độc đáo, mới lạ, đẹp mắt của đồng bào dân tộc Mông ở nhiều nơi khác nhau để có các sản phẩm đẹp phục vụ bà con.

“Để giữ gìn bản sắc dân tộc mình, tôi cũng có ý định thành lập nhóm khoảng từ 15 - 20 người là chị em phụ nữ trong bản để cùng nhau giữ gìn bản sắc của mình, không để bị mai một, hai nữa là tạo công ăn việc làm cho các chị em” - chị Tráng thị Dua nói.

Em Hờ Thị Mai Lan ở xã Lóng Luông năm nay 15 tuổi, nhưng đã thông thạo cách thêu váy áo thổ cẩm của dân tộc mình. Lan cho biết: Từ bé thấy bà và mẹ thêu thùa, em đã rất thích. Từ hơn 10 tuổi, em bắt đầu được mẹ dạy cho những nét thêu đầu tiên, từ đó, ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi, em đều mày mò, tự học hỏi thêm. Đến nay, em đã có thể tự thêu, may trang phục cho mình và cho cả gia đình. Lan nhớ như in, bà, mẹ vẫn bảo, con gái Mông ai cũng phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa, đó cũng là tiêu chuẩn để lấy chồng. 

“Sau 3 năm tự học, hiện tại em đã biết thêu các hoa văn của dân tộc mình. Trong tương lai, em muốn học thêm may để có thể tự may cho mình những bộ trang phục mới, đẹp và nhanh hơn”, Hờ Thị Mai Lan chia sẻ.

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông thể hiện ở việc vẽ thêu, chắp, ghép hoa văn, tạo sóng cho váy, dệt dây quấn xà cạp... Trong đó, các mô típ hoa văn cơ bản giống nhau, chỉ khác đôi nét thể hiện ở giới tính, lứa tuổi, thành phần, như  trang phục trẻ em nam, nữ giống của người lớn, nhưng trẻ em có thêm mũ đội đầu. Đặc biệt, trang phục nổi bật nhất là váy của phụ nữ Mông, có hình nón cụt, phần eo hông bó sát, phần thân váy xòe rộng do kỹ thuật xếp nếp sóng váy độc đáo, thân váy được trang trí bằng hoa văn vẽ từ sáp ong, ghép vải màu với những hoạ tiết bậc thang, đan chéo...

Trang phục người Mông Hoa trước đây được làm bằng vải lanh, nay nghề trồng lanh dệt vải đã mai một, do đó, đồng bào dùng vải dệt công nghiệp nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các hoạ tiết hoa văn vẫn theo lối truyền thống.

Ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông cho hay: Xã Lóng Luông có hơn 1.600 hộ, trên 6.600 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, chị em người Mông chỉ thêu thùa bằng tay, sau này các gia đình có điều kiện thường mua thêm chiếc máy may để may vá, hỗ trợ làm ra những bộ trang phục đẹp mắt và tốn ít thời gian hơn.

Những năm gần đây, du khách khi đến với Vân Hồ đều yêu thích những bộ trang phục của người Mông bởi màu sắc đẹp, lạ mắt. Nhờ đó, mặt hàng này đã trở thành hàng hóa và được nhiều hộ sản xuất phục vụ khách hàng.

“Một bộ trang phục của người Mông khá đắt tiền, mỗi bộ trang phục bình thường ít nhất cũng từ 1 đến 2 triệu đồng, nên nếu làm bán cũng tạo được nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn. So với các mặt hàng khác thì việc buôn bán trang phục của người Mông cũng cho thu nhập cao hơn, nhiều hộ trong xã đã có kinh tế ổn định từ việc buôn bán mặt hàng này”, ông Tếnh A Chìa nói.

Để bảo tồn, phát huy nghề thêu, may trang phục của người phụ nữ Mông, ngoài tuyên truyền để đồng bào nâng cao ý thức, duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình, huyện Vân Hồ còn tổ chức cuộc thi “Người đẹp trình diễn trang phục Mông” và các hoạt động văn hóa biểu diễn, trình diễn nghệ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy nghề thêu, may truyền thống...

“Để tiếp tục duy trì và phát triển trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển nghề này; đặc biệt là hỗ trợ cho những nghệ nhân truyền dạy nghề để đưa sản phẩm trang phục phụ nữ người Mông trở thành sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cũng như tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện” - bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Hồ cho biết.

Là huyện cửa ngõ, nằm trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, huyện Vân Hồ hiện cũng đang tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, nhằm đưa trang phục của người Mông trở thành sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa của đồng bào, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương./.

Trấn Long/VOV-Tây Bắc

Nguồn: VOV.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT