Non nước Việt Nam

Lễ hội cầu mưa của người Jrai ở Gia Lai

Cập nhật: 02/04/2021 10:54:02
Số lần đọc: 2063
Lễ cầu mưa là nghi lễ quan trọng nhất trong năm của người Jrai (Gia Lai), trở thành nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn bên cạnh những lễ hội truyền thống khác.


Lễ vật Lễ cúng cầu mưa gồm 1 ghè rượu, sáp ong se thành từng cây nến, một tô gạo; thịt được cắt ra thành từng miếng bày sẵn

Ý nghĩa lễ cầu mưa

Hàng năm, cứ vào đầu mùa trồng trỉa (khoảng tháng 4 dương lịch), lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Vua Lửa) diễn ra trong cộng đồng người Jrai ở các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa (Gia Lai).

Lễ cúng cầu mưa là văn hóa tín ngưỡng dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai nhằm cầu mong trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống no đủ, mọi người được bình an khỏe mạnh… Nghi lễ cúng cầu mưa thường diễn ra vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, thời điểm thường xảy ra hạn hán gay gắt, khốc liệt. Vì lẽ đó, cứ vào trung tuần tháng 4 hàng năm, người Jrai lại rộn ràng chuẩn bị lễ vật để cúng cầu mưa.

Niềm tin tín ngưỡng

Tương truyền, các Vua Lửa cùng với quyền năng của “Thanh gươm thần”- là báu vật mà mình nắm giữ có sức mạnh phi thường, có thể liên hệ với thần linh để hô mưa gọi gió, điều khiển thời tiết cho mùa màng tốt tươi, dân làng no ấm. Các Vua Lửa còn liên kết với tộc trưởng các vùng và cùng Nhân dân chống lại các thế lực ngoại xâm để bảo vệ bình yên cho buôn làng. Hằng năm, cứ đến mùa trồng tỉa (khoảng tháng Tư dương lịch), khi thời tiết ở địa phương thường khắc nghiệt thì các Vua Lửa lại tiến hành lễ cầu mưa.

Người Jrai tin rằng, những lời khấn cầu mưa chỉ thực sự linh nghiệm khi đó là ý nguyện chung của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng. Nhờ có sức mạnh của thần gươm ẩn trong chiếc gươm thần mà các Vua Lửa có nhiều khả năng đặc biệt, trong đó quan trọng nhất là khả năng chuyển hạn thành mưa – điều mà đồng bào Tây Nguyên luôn khao khát để bảo đảm sự sống cho muôn loài.

Các hoạt động tại lễ hội

Trước khi diễn ra lễ chính, người dân cử hành 3 nghi lễ nhỏ bao gồm: Cúng xua đuổi tà ma, dịch gia cầm quanh làng; cúng bến nước tại sông A Yun (Phú Thiện, Gia Lai); cúng làng. Vào ngày tổ chức lễ chính, người dân từ già trẻ, gái trai… trong làng tụ hội tại nhà của thầy cúng– nơi tiến hành nghi lễ cầu mưa.

Đến với không gian lễ hội, du khách được tìm hiểu các nghi lễ truyền thống, tham quan, mua sắm tại khu trưng bày hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng từ thổ cẩm, nhạc cụ, trang sức….; thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Jrai như: cơm lam, gà nướng, rượu cần…

Lễ hội cầu mưa là hoạt động văn hóa tín ngưỡng hết sức độc đáo, mang bản sắc của người Jrai ở Gia Lai được bảo tồn, phát huy một cách nguyên vẹn giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lễ hội của dân tộc. Với những giá trị đặc sắc đó, lễ hội cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT