Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc trên Tây Nguyên
Tiết mục múa - hát then, đàn tính tại lễ hội.
Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc được tổ chức định kỳ vào các ngày mùng 7, 8 và 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Tuy nhiên do tình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lễ hội năm nay phải dời sang tháng Hai.
Xa quê lâu năm, những người dân tộc thiểu số phía Bắc đang định cư trên đất Tây Nguyên ai cũng đau đáu nỗi niềm thương nhớ quê hương. Vậy nên khi hay tin lễ hội được tổ chức, bà con các dân tộc Tày, Nùng đang sinh sống trên đất Cư Êwi ai cũng phấn khởi. Từ sáng sớm các chị, các cô đã xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống. Cánh đàn ông kéo nhau đi bắt lợn chuẩn bị cho cuộc thi ẩm thực.
Sau tiếng trống khai hội, khán giả được chìm đắm trong không gian âm nhạc đặc sắc của câu hát then, tiếng đàn tính cùng điệu múa sạp uyển chuyển. Lời ca tiếng hát vang vọng cả một vùng như gửi gắm niềm vui, sự phấn khởi, lòng tin của người dân trước sự đổi thay của đất nước và hy vọng một năm mưa thuận gió hòa, thóc lúa đầy sân...
Hơn 20 năm rời xa quê hương Lạng Sơn để định cư trên vùng đất mới, bà Lành Thị Tuyến (thôn 2, xã Cư Êwi) vẫn chưa hết cảm xúc lâng lâng khi được đứng trên sân khấu mang “câu then, tiếng tính” đến cho mọi người. Bà Tuyến chia sẻ: “Mùa xuân của người Tày, Nùng trên đất Cư Êwi chỉ thật sự bắt đầu khi được tham gia Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc. Đắk Lắk đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nên năm nào bà con cũng được hòa mình trong không khí lễ hội của dân tộc mình. Nhờ đó, nỗi nhớ quê hương cũng nguôi dần”.
Với mỗi người dân tộc phía Bắc, món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết chính là heo quay, cơm lam, bánh chưng, bánh dày..., vì vậy phần thi ẩm thực tại lễ hội thu hút đông đảo người dân theo dõi. Để phần thi được tốt, ai cũng dậy từ sáng sớm để chuẩn bị, mỗi người một việc, người làm thịt heo, hái lá mắc mật, người chuẩn bị các nguyên liệu, vật dụng để quay heo. Tiêu chí chấm heo quay ngoài hình thức đẹp, da phải vàng giòn không được nứt thì thịt phải giữ được vị ngọt, không được khô, cháy. Sau khi heo quay được chấm điểm, món heo quay mắc mật thơm ngon sẽ được chia đều để du khách cùng nhau thưởng thức.
Không chỉ cuốn hút ở phần thi ẩm thực, những trò chơi dân gian đặc sắc như: kéo co, tung còn, lày cỏ, bịt mắt bắt vịt... cũng vô cùng sôi động, được du khách cổ vũ nhiệt tình, trong đó, thu hút nhất là hội thi ném còn. Những quả còn được khâu bằng vải, có tua rua nhiều màu sắc, được người chơi thi nhau ném lên vòng tròn. Du khách ghé chơi không biết ném còn cũng được bà con hướng dẫn tận tình...
Ông Nguyễn Quốc Viện, Chủ tịch UBND xã Cư Êwi cho biết, xã Cư Êwi được thành lập từ năm 1993 với 10 thôn, buôn, trong đó có 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bắc Giang… vào làm ăn sinh sống. Trước đây, Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc được tổ chức hai năm một lần. Tuy nhiên, từ năm 2019, UBND huyện Cư Kuin đã đồng ý chủ trương tổ chức lễ hội hằng năm tại xã Cư Êwi. Đặc biệt, lễ hội năm nay ngoài sự tham gia của 10 thôn, buôn trên địa bàn xã còn có sự đồng hành của cán bộ, nhân dân thôn 6, xã Ea Ning và thôn 6, xã Ea Hu, từ đó tạo nên sự giao thoa giữa các nền văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Ông Viện cho biết thêm: Thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được các cấp, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm. Qua nhiều năm gắn bó với mảnh đất Cư Êwi, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cuộc sống nhân dân ngày càng ổn định. Những hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc được chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức, nhất là vào dịp đầu xuân năm mới nhằm lưu truyền và gìn giữ những bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc anh em đang sinh sống trên đất Tây Nguyên.