Hoạt động của ngành

Bến En (Thanh Hóa): Chờ cú hích để thức dậy tiềm năng

Cập nhật: 19/03/2020 08:48:46
Số lần đọc: 861
Muốn thức dậy tiềm năng du lịch Bến En, nhất thiết phải cần đến một cú hích mạnh mẽ. Cú hích này không thể xuất phát từ nguồn lực đầu tư hạn chế của ngân sách Nhà nước và cách làm du lịch cầm chừng, kém hiệu quả như hiện nay.


Bến En – tiềm năng du lịch chờ được đánh thức. Ảnh: K.N

Vườn Quốc gia Bến En (huyện Như Thanh) có tổng diện tích 14.734,67 ha; bao gồm một hệ thống cảnh quan thiên nhiên sinh động, đa dạng và nổi tiếng tươi đẹp. Bến En không chỉ có cảnh quan rừng và hang động trên các dãy núi đá vôi; mà yếu tố tạo điểm nhấn cho bức tranh thiên nhiên nơi đây là hồ nước rộng gần 3.000 ha và 21 hòn đảo, bán đảo được bao quanh bởi ba cánh cung núi đá, núi đất và rừng. Các đảo trên hồ là nơi trú ngụ của các loài động thực vật phong phú (gồm 1.530 loài động vật và 1.417 loài thực vật); đặc biệt, có nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam 2007 và IUCN 2013, đang bị đe dọa diệt chủng như vượn má trắng, báo lửa, culy lớn, culy nhỏ, gấu ngựa, rùa vàng... Đồng thời, sự kết hợp hài hòa giữa cấu trúc địa hình rừng, núi và hồ nước đã tạo cho Bến En một vùng tiểu khí hậu mát mẻ, thích hợp cho các hoạt động nghỉ ngơi, tham quan, vui chơi. Trong đó, du lịch ngắm cảnh rừng – lòng hồ, thám hiểm hang động tự nhiên và du lịch mạo hiểm, là những loại hình có lợi thế phát triển.

Cùng với nguồn tài nguyên tự nhiên nổi bật, trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Bến En còn có hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa như đền Khe Rồng, đền Phủ Sung, di tích Lò Cao kháng chiến. Đồng thời, từ Bến En có thể kết nối đến các di tích trên địa bàn huyện như Phủ Na; hoặc bên ngoài huyện như Đền Nưa - Am Tiên (huyện Triệu Sơn). Ngoài ra, ẩm thực nơi đây cũng nổi tiếng với các món canh đắng, gỏi cá mè, gà đồi nướng đất, măng đắng chấm trẻo... Để phục vụ phát triển du lịch, Bến En đã được đầu tư xây dựng 1 khu nhà khách với 6 phòng, có thể đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của các đoàn khách nhỏ; 1 trung tâm giáo dục môi trường với 1.902 mẫu thực vật; 51 mẫu thú, 50 mẫu chim, 215 mẫu côn trùng, 90 mẫu bò sát. Đây là dịch vụ công ích, không thu phí, nhằm mục đích giáo dục du khách về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Cùng với đó, vườn cũng đã tổ chức đưa khách tham quan cảnh quan hồ và đa dạng sinh học bằng xuồng 15 CV. Ngoài ra, dịch vụ cắm trại, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ cũng là những hoạt động thu hút được sự quan tâm của du khách.

Để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, Vườn Quốc gia Bến En đã lập quy hoạch, lập đề án cho thuê môi trường rừng, được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 2108/QĐ-UBND ngày 1/7/2011. Mặc dù vậy, kết quả kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Cho nên, hoạt động du lịch cơ bản đều do vườn đứng ra tổ chức. Trong khi, cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế; chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm du lịch nghèo nàn... dẫn đến hiệu quả thấp. Đồng thời, nguồn tài nguyên du lịch giàu tiềm năng phát triển, vẫn chưa được khai thác là bao. Muốn thức dậy tiềm năng du lịch Bến En, nhất thiết phải cần đến một cú hích mạnh mẽ. Cú hích này không thể xuất phát từ nguồn lực đầu tư hạn chế của ngân sách Nhà nước và cách làm du lịch cầm chừng, kém hiệu quả như hiện nay.

Trên sân chơi du lịch, nếu Nhà nước đóng vai trò định hướng và điều phối, dựa trên cơ chế chính sách vĩ mô và một phần nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực, xúc tiến quảng bá...; thì doanh nghiệp đóng vai trò thực thi chính sách, sáng tạo cách làm và hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện của những doanh nghiệp giàu tiềm lực, giàu kinh nghiệm và tâm huyết. Từ thực trạng phát triển du lịch như hiện nay, Bến En đang rất cần một nhà đầu tư chiến lược như vậy. Để rồi, việc Tập đoàn Sun Group tiến hành khảo sát và đánh giá cao tiềm năng khai thác, phát triển của Bến En, đã mở ra hy vọng đổi thay cho vùng đất này.

Những cam kết bước đầu giữa tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư đã có, với sự ra đời của dự án “Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En”. Tổng kinh phí đầu tư theo dự kiến lên đến hàng nghìn tỷ đồng, mục tiêu được vạch ra là xây dựng Bến En trở thành một điểm nhấn về du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế. Song, sự hợp tác này sẽ mang tính lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, kiên trì và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Và thực tế đang cho thấy tính “lâu dài” của dự án, khi các hạng mục đầu tư vẫn chưa được khởi động. Trong khi đó, việc bố trí ngân sách và các nguồn vốn huy động hợp pháp, để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đến hàng rào dự án, hiện vẫn đang trong quá trình triển khai. Trong đó phải kể đến những dự án hạ tầng lớn, như tuyến giao thông kết nối từ tuyến đường Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn về Bến En; tuyến giao thông kết nối từ đường cao tốc Hà Nội - Thanh Hóa về Bến En; tuyến giao thông kết nối từ Am Tiên về Bến En.

Sự hợp tác công – tư trong du lịch được xem là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển cho những điểm đến tiềm năng. Song, để sự hợp tác này đạt được những cam kết, những mục tiêu kỳ vọng, thì rất cần và luôn cần sự nỗ lực, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Giấc mơ phát triển của Bến En, cũng đang chờ những động thái mới từ mối quan hệ hợp tác như vậy.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục