Hoạt động của ngành

Làng văn hóa dân tộc Dao Sơn Hải

Cập nhật: 17/03/2020 08:13:55
Số lần đọc: 875
Xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh được biết đến là địa phương có di tích miếu Ông, miếu Bà, di tích lò gốm sứ cổ trăm năm, còn lưu giữ nét văn hóa người Dao đặc sắc, là trọng điểm du lịch cộng đồng mà Ba Chẽ đang xây dựng. Trong đó, Sơn Hải - một trong 10 thôn của Nam Sơn được huyện Ba Chẽ lựa chọn xây dựng mô hình Làng văn hóa dân tộc Dao, với kỳ vọng sẽ là điểm trung tâm kết nối các trọng điểm du lịch cộng đồng Ba Chẽ.


Lễ hội miếu Ông, miếu Bà năm 2019. Ảnh: UBND huyện Ba Chẽ cung cấp

Năm 2019, Sơn Hải đã được xây dựng miếu Bàn Vương, tái hiện một số nghi lễ, điệu dân ca, dân vũ cổ, nghề truyền thống của dân tộc Dao trên địa bàn. Theo kế hoạch, năm 2020, Sơn Hải tiếp tục phục dựng lễ hội Bàn Vương, chuẩn bị các điều kiện cho lễ hội trà hoa vàng, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, tái hiện các bài hát, múa, lễ cấp sắc theo nghi lễ cổ, tục nhảy lửa, nghề nấu rượu bầu, chạm bạc, mặt nạ gỗ, múa tắc xình, múa chuông, múa lên nương, nghi lễ đón dâu… xây dựng mô hình homestay đại diện 12 dòng họ Dao…

Theo lãnh đạo huyện Ba Chẽ, sở dĩ Sơn Hải được chọn xây dựng Làng văn hóa dân tộc Dao là bởi nơi đây tụ đủ các yếu tố để trở thành trung tâm của vùng du lịch cộng đồng Nam Sơn. Anh Bàn Tuấn Năng, thành viên Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đơn vị nghiên cứu về văn hóa người Dao tại huyện Ba Chẽ cho biết: Những người Dao đầu tiên đến Ba Chẽ bằng đường thủy, rồi lên bờ sinh sống ở vùng đồi núi thấp. Thôn Sơn Hải một mặt bám sông Ba Chẽ, một mặt là đồi núi, cho thấy đúng không gian sống của người Dao nguyên thủy.

Bên cạnh đó, Sơn Hải giáp QL18A, dễ dàng kết nối giao thông với Tiên Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn. Thôn Sơn Hải cũng là trung tâm của vùng đậm đặc văn hóa bản địa thuộc xã Nam Sơn như thôn Cái Gian, nơi có di tích miếu Ông, miếu Bà; thôn Làng Mới với di tích lò gốm cổ, nghề làm thuyền độc mộc; thôn Lò Vôi, nơi có CLB múa Phùn Voòng, CLB thêu Dao Sán Chay… hay các vùng văn hóa ở các xã lân cận là Đồn Đạc, Thanh Sơn, vốn nổi tiếng với các CLB hát Pả dung, Soóng cọ, CLB thêu thổ cẩm Dao Thanh Phán, thêu thổ cẩm Sán Chay… Đặc thù này giúp Sơn Hải trở thành trung tâm kết nối trọng điểm của du lịch cộng đồng Ba Chẽ.

Như vậy, du khách đến với Làng văn hóa dân tộc Dao Sơn Hải có thể được trải nghiệm hầu hết các giá trị văn hóa vùng miền đặc sắc nhất của Ba Chẽ. Như nếu đến vào thời điểm tháng 3 âm lịch, du khách có thể vừa tham dự lễ hội miếu Ông, miếu Bà, thăm di tích lò gốm sứ cổ, nghe hát Pả dung, Soóng cọ, mua sắm sản phẩm thêu thùa truyền thống, vừa tìm hiểu lễ cấp sắc, lễ cúng Bàn Vương…

Di tích lò gốm sứ cổ hiện còn nguyên hệ thống hiện vật giá trị là khu chế tác, bể ngâm, tráng men, sàn, bãi tập kết, chứa sản phẩm, bát đĩa, bầu lò… 17 bầu lò theo kiểu lò rồng xếp liên tiếp nhằm tiết kiệm nhiên liệu và thời gian nung thể hiện quy mô, trình độ chế tác của một lò gốm lớn nhất nhì nước cách đây hàng trăm năm.

Di tích miếu Ông, miếu Bà là di tích có giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng đặc biệt với nét kiến trúc hài hòa thiên nhiên, vị trí nằm đối xứng 2 bên bờ sông Ba Chẽ, lễ hội hằng năm gắn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống đặc sắc, trong đó có giải đua chèo thuyền độc mộc bằng chân...

Riêng đối với các con thuyền độc mộc trong lễ hội miếu Ông, miếu Bà, theo các nghiên cứu văn hóa về Ba Chẽ cho biết, đã hình thành và lưu giữ từ khi những người Dao đầu tiên đến Nam Sơn sinh sống. Ban đầu cung cấp cho người dân làm phương tiện đi lại trên sông Ba Chẽ, sau này thuyền độc mộc ít thông dụng hơn nên chỉ làm để phục vụ các đội đua thuyền tại lễ hội miếu Ông, miếu Bà.

Từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số hoạt động tại Làng văn hóa Dao Sơn Hải bị tạm dừng, như khởi công xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và một số mô hình homestay, lễ hội trà hoa vàng và lễ hội Bàn Vương. Tuy nhiên, theo báo cáo của huyện Ba Chẽ, các nội dung này sẽ sớm được thực hiện vì đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục