Hoạt động của ngành

Phú Yên sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận công viên địa chất toàn cầu

Cập nhật: 11/03/2020 14:48:19
Số lần đọc: 890
  Bên cạnh Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã được công nhận di tích thắng cảnh cấp quốc gia, gần đây các cơ quan chức năng Phú Yên liên tục phát hiện nhiều vỉa đá trên cạn có cấu tạo địa chất đặc biệt với diện tích rất rộng.Theo đánh giá sơ bộ của đơn vị nghiên cứu địa chất, đây là loại đá bazan được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa. Do vậy, nhiều khả năng có những vỉa đá khổng lồ đang ẩn sâu trong lòng đất, cần được khảo sát, đánh giá kỹ để bảo tồn, khai thác hiệu quả những giá trị, tiềm năng của vùng đất Phú Yên.

Sáng 8/3, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Phú Yên Phạm Văn Bảy trực tiếp dẫn nhóm phóng viên tới địa điểm mới phát hiện vỉa đá. Khu vực này cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 10 km, thuộc địa bàn xã An Phú, thành phố Tuy Hòa. Đường vào khu vực mỏ đá cực kỳ ngoắt ngoéo khó định hình do đơn vị khai thác đá trước đó tự mở, tạo ra nhiều nhánh thông nhau giữa các núi và các hố sâu. Xe chở đá tải trọng lớn khiến cho mặt đường có cấu tạo từ đá trở nên nham nhở, gập ghềnh. Chỉ xe gầm cao mới vào được khu vực này.

“Khi nhận được thông tin công nhân mỏ đá phát hiện những vỉa đá lạ ở nhiều điểm khác nhau trong quá trình khai thác, ngành VHTTDL đã đến thị sát hiện trường và có công văn báo cáo UBND tỉnh.Tỉnh Phú Yên lập tức có công văn khẩn chỉ đạo dừng khai thác đá tại khu vực này, mời các chuyên gia địa chất khoáng sản khảo sát, từ đó có phương án bảo tồn phù hợp nhằm phát huy giá trị tài nguyên”, ông Bảy cho hay.

Theo quan sát, các vỉa đá này có cấu tạo hết sức đặc biệt, nhiều cấu trúc, hình khối đa dạng. Có cấu trúc hình tròn như những chiếc đĩa khổng lồ nằm xếp chồng lên nhau, đan xen là các khối cột đứng hình lục giác. Nhìn từ trên cao, vỉa đá giống như những tổ ong khổng lồ nằm san sát...

“Vùng đất Phú Yên gắn liền với đá và văn hóa đá, không những về giá trị địa chất mà còn là hệ di sản phong phú, độc đáo. Chúng tôi đã kết nối với một số chuyên gia địa chất cũng như đơn vị tư vấn khảo sát, thời gian qua đã khảo sát một số điểm có dạng đá bazan độc đáo. Công tác khảo sát sẽ tiếp tục được tiến hành để nghiên cứu kỹ hơn về mặt địa chất cũng như về các giá trị di sản của vùng, từ đó mới đánh giá được có bao nhiêu tiêu chí đáp ứng các yêu cầu của UNESCO về công viên địa chất toàn cầu. Nếu đáp ứng đủ tiêu chí, Phú Yên sẽ trình hồ sơ để UNESCO xem xét, công nhận công viên địa chất toàn cầu”, ông Phạm Văn Bảy chia sẻ.

Đối với những khu vực có giá trị về di sản, ngành VHTTDL sẽ đề nghị UBND tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di sản để bảo vệ theo luật di sản, từ đó giao cho các địa phương để quản lý, bảo tồn. Đối với những khu vực có khả năng khai thác phát triển du lịch sẽ kêu gọi nhà đầu tư, chọn nhà đầu tư xứng tầm, có ý tưởng quy hoạch tốt để khai thác hiệu quả những giá trị, tiềm năng của vùng đất Phú Yên, ông Bảy cho biết thêm.

“Trường hợp nếu đạt được các danh hiệu ví dụ như danh thắng cấp tỉnh, cấp quốc gia hoặc cao hơn là quốc tế thì công tác bảo tồn, khai thác tốt hơn đồng thời gắn với phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu điểm đến, thu hút du khách trong nước và quốc tế”, ông Bảy nói.

Theo nghiên cứu địa chất, gành Đá Đĩa là loại đá bazan, được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa), cách Tuy Hòa khoảng 30 km.

Hàng triệu năm trước, nham thạch phun từ miệng núi lửa gặp nước biển lạnh đông cứng lại và xảy ra hiện tượng ứng lưu, tạo sự rạn nứt toàn bộ khối thạch khổng lồ. Đá bị nứt theo mạch dọc tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên ngang, đồng thời lại có những đường nứt ngang cắt các cột đá thành nhiều khúc.


 
Nguồn: Tạp Chí Du Lịch

Cùng chuyên mục