Hoạt động của ngành

Du lịch Kiên Giang còn nhiều dư địa phát triển

Cập nhật: 10/03/2020 10:27:35
Số lần đọc: 832
Kiên Giang có nhiều tài nguyên du lịch như biển đảo Phú Quốc, Hà Tiên, rừng U Minh Thượng... Du lịch biển đảo Kiên Giang ngày càng hấp dẫn du khách. Kiên Giang hiện là một trong những tỉnh, thành vùng ĐBSCL có lượng du khách đông nhất. Năm 2019, Kiên Giang đón 8,7 triệu lượt khách; trong đó, hơn 700.000 lượt khách quốc tế, đã vượt mục tiêu năm 2020 trong Nghị quyết của Tỉnh ủy Kiên Giang về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.


Bãi biển Phú Quốc xinh đẹp hấp dẫn du khách nước ngoài.

Du lịch biển đảo ngày càng hấp dẫn…

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, hiện nay, Kiên Giang có 4 vùng du lịch trọng điểm: vùng du lịch Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận; vùng du lịch Phú Quốc; vùng du lịch Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận; và vùng U Minh Thượng; với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đồng bằng, rừng, núi đồi, biển và đảo… Theo định hướng Chiến lược Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, và Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kiên Giang đã cơ bản hình thành 5/8 sản phẩm du lịch đặc thù tại Phú Quốc. Đó là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch hội nghị cao cấp; tham quan công viên động vật hoang dã; tham quan và mua sắm tại trang trại nuôi trồng và cửa hàng sản phẩm ngọc trai; tham quan trại nuôi giống chó Phú Quốc và xem đua chó.

Các sản phẩm chính của Kiên Giang hiện nay là: du lịch thể thao biển; lặn ngắm san hô và sinh vật biển Phú Quốc; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng biển trung cấp Hà Tiên - Kiên Lương; tham quan các quần đảo tàu thủy Kiên Hải, Hà Tiên - Kiên Lương; tham quan các loài sinh vật vườn quốc gia và nghiên cứu khoa học hệ sinh thái rừng tràm ven biển U Minh Thượng…

Để hạ tầng và sản phẩm dịch vụ tốt thu hút du khách, thời gian qua, Kiên Giang là một trong những tỉnh thu hút đầu tư du lịch hàng đầu của ĐBSCL, với tổng số tiền đầu tư lên đến 337.323 tỉ đồng, cho 303 dự án với tổng diện tích 10.363ha. Trong đó, đã có 69 dự án đã hoạt động với vốn đầu tư 13.958 tỉ đồng, 72 dự án triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 159.135 tỉ đồng và 162 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 164.230 tỉ đồng.

Nguồn vốn đầu tư mạnh đã làm diện mạo du lịch Kiên Giang khởi sắc nhanh chóng. Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang đã có 762 cơ sở lưu trú với 23.389 phòng; trong đó, có 21 khách sạn 4-5 sao với 8.858 phòng. Nhất là tại Phú Quốc, các cơ sở lưu trú đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của của khách trong nước và quốc tế, có khả năng tổ chức du lịch hội nghị, các sự kiện lớn. Nhiều khách sạn tại Phú Quốc được giải thưởng của Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) trao tặng là Khu nghỉ dưỡng và villa hàng đầu thế giới, Khu nghỉ dưỡng chủ đề sang trọng bậc nhất thế giới…

Ngoài Phú Quốc là địa danh du lịch biển nổi tiếng từ lâu, Kiên Giang còn có nhiều điểm đến biển đảo độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước. Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, sau khi 3 khu du lịch được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là khu du lịch cấp tỉnh: Khu du lịch quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên), Khu du lịch quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Khu du lịch Lại Sơn (Kiên Hải), lượng du khách cả trong và ngoài nước đến Kiên Giang gia tăng đáng kể.

Còn nhiều dư địa để phát triển

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, cho rằng: “Sản phẩm du lịch tỉnh Kiên Giang những năm qua có bước phát triển khá tốt, đúng hướng; góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định thương hiệu của du lịch Kiên Giang. Tuy nhiên, hệ thống sản phẩm du lịch tỉnh vẫn còn khó khăn, hạn chế. Sản phẩm du lịch của tỉnh phần lớn phát triển ở Phú Quốc và còn dựa nhiều vào tài nguyên sẵn có, hàm lượng chất xám kết tinh trong sản phẩm còn thấp; nhiều nơi tài nguyên du lịch vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được đầu tư khai thác tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, cá biệt để phát triển đồng bộ các vùng du lịch trong tỉnh…”.

Mặc dù những năm qua, Kiên Giang nỗ lực đầu tư, khai thác phát triển du lịch và đã trở thành tỉnh dẫn đầu về lượng khách và doanh thu của vùng ĐBSCL nhưng theo các chuyên gia, du lịch Kiên Giang còn nhiều dư địa để phát triển. Theo ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tài nguyên du lịch của Kiên Giang đa dạng, phong phú, tuy nhiên sự phát triển du lịch trên địa bàn chưa đồng đều. Nhiều khu vực có tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa khai thác, phát triển được như kỳ vọng, như: Vườn quốc gia U Minh Thượng, khu vực Kiên Lương - Hà Tiên - Hòn Đất và phụ cận. Hiện nay, 84% dự án, 98% tổng mức đầu tư các dự án về du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tập trung vào Phú Quốc. Việc thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các điểm, khu du lịch khác trên địa bàn còn hạn chế…

Hy vọng, trong tương lai không xa với những nỗ lực mời gọi đầu tư, đồng tâm hiệp lực của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, với những hỗ trợ của chính quyền, Kiên Giang sẽ sớm đạt mục tiêu đón hơn 23 triệu lượt khách nội địa và quốc tế (trong đó, hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, 22 triệu khách nội địa) vào năm 2030 như Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Kiên Giang đã đề ra./.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục