Hoạt động của ngành

Đông Triều: Giải bài toán quy hoạch vùng trồng hoa với phát triển du lịch

Cập nhật: 06/03/2020 13:58:33
Số lần đọc: 799
  Với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nhiều năm qua, diện tích trồng hoa của Đông Triều ngày càng mở rộng và phát triển. Năm 2019 vừa qua, thị xã đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận “Hoa - Cây cảnh Đông Triều”. Cùng với việc là trung tâm tôn giáo, phật giáo, trung tâm của chùa - tháp với 133 điểm di tích đền, chùa, am, miếu, nơi thờ tự và nhiều điểm tham quan, du lịch thì đây là những điều kiện thuận lợi để Đông Triều quy hoạch vùng trồng hoa gắn với phát triển du lịch.


Làng hoa Bình Khê hiện tại đã thu hút được nhiều khách du lịch tới thăm.

Từ năm 2015-2019, diện tích trồng hoa, cây cảnh của Đông Triều ngày một tăng từ 130ha lên 344ha với đa dạng các loại hoa như: Phong lan, hồng, cúc, loa kèn, lay ơn, huệ, cẩm chướng, ly… cây cảnh gồm: quất, đào, mai, bon sai… Do trồng hoa có thâm niên nên tư liệu sản xuất như đất đai, con người, kỹ thuật sản xuất là một thuận lợi cho việc phát triển vùng trồng hoa. Hoa, cây cảnh của Đông Triều đẹp, khỏe, chơi bền, đặc biệt đem lại cho người trồng một nguồn thu tương đối. Thống kê của Phòng Kinh tế thị xã cho thấy, riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, doanh thu từ hoa, cây cảnh của 5 xã: Bình Khê, Việt Dân, Bình Dương, Hồng Phong, Thủy An đạt gần 83 tỷ đồng; trong đó nhiều nhất là Bình Khê với trên 65 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Bình Khê cho biết: Hiệu quả của trồng hoa gấp 4-5 lần trồng lúa nên từ lâu người dân Bình Khê đã chuyển sang trồng hoa với tổng diện tích 90ha. Thu nhập của người dân được cải thiện, bình quân 90 triệu đồng/người/năm. Để phát huy thế mạnh trồng hoa, cây cảnh gắn với phát triển du lịch một vài năm trở lại đây, Bình Khê đã quy hoạch các vùng trồng hoa trên địa bàn; định hướng cho người dân trồng một số loại hoa, cây cảnh truyền thống kết hợp đưa một số giống mới vào trồng để tăng giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt Tết 2020, Bình Khê là xã đầu tiên được thị xã chọn tổ chức Lễ hội hoa - cây cảnh Đông Triều năm 2020 ở quy mô cấp thị xã.

Trên diện tích 1.000m2, anh Lê Xuân Liêm (xã Bình Khê) đã trồng hoa lan được hơn 10 năm nay với 16 loài. Hằng năm doanh thu từ vườn lan của anh lên tới 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Anh Liêm cho biết: Tôi đã lên kế hoạch mở rộng diện tích trồng hoa thêm 1.000m2 nữa ở mặt bằng thuận lợi để phát triển gắn với du lịch theo chủ trương của thị xã, song việc này khá khó khăn do phần lớn đất trên địa bàn xã đều của doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND xã Bình Khê cũng thừa nhận, dù rất muốn quy hoạch vùng trồng hoa tập trung gắn với phát triển du lịch, song đất đai hiện phân bố rải rác. Phần lớn đất là của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều và Công ty CP Nông trường Đông Triều.

Theo ông Phạm Văn Phong, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã, Đông Triều đã quy hoạch vùng trồng hoa tập trung với 40ha, trong đó xã Bình Khê 30ha, phường Hưng Đạo 10ha. Trên cơ sở đó, thị xã đã kêu gọi nhà đầu tư cùng sản xuất tiêu thụ theo Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Tập trung trồng hoa gắn với phát triển du lịch chủ yếu ở xã Bình Khê phục vụ du lịch tâm linh theo tuyến Ngọa Vân, Yên Tử. Đi đôi với trồng hoa, thị xã cũng đề nghị nhà đầu tư thiết kế quang cảnh cho du khách thưởng hoa, chụp ảnh. Về mặt bằng, thị xã cũng đã bố trí ở một số điểm cho doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, thời gian tới, thị xã cũng tiến tới việc đào tạo tập huấn cho bà con nông dân về cách làm du lịch địa phương.

Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều trở ngại bởi thu hút đầu tư cũng gặp khó khăn, hiện mới có 1 doanh nghiệp ở Hà Nội đăng ký tìm hiểu đầu tư. Đồng thời, khi đã có vùng quy hoạch rồi thì bài toán tiêu thụ cũng là vấn đề cần có lời giải.

Thiết nghĩ, để có thể triển khai tốt quy hoạch vùng trồng hoa gắn với phát triển du lịch, Đông Triều cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp vùng trồng hoa Đông Triều, phát huy tối đa thế mạnh của một địa phương đã có thâm niên trồng hoa. Bên cạnh đó, việc bố trí địa điểm thu hút đầu tư phải thực sự thuận lợi, hợp lý. Đặc biệt, cùng bà con nông dân và doanh nghiệp sớm đưa ra bài toán thị trường để vùng trồng hoa tập trung gắn với du lịch sớm được được triển khai… Khi giải được bài toán kinh tế thì công tác quy hoạch mới thành công.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục