Bốn tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk kích cầu du lịch
Ghềnh đá đĩa ở Phú Yên. (Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN)
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết việc Hiệp hội Du lịch Việt Nam chọn 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk để xúc tiến kích cầu du lịch đã được nghiên cứu kỹ bởi các địa phương này hội đủ những yếu tố cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Vấn đề cốt yếu nhất là sự an toàn, sau đó mới đến các yếu tố khác để kích cầu du lịch như giảm giá, tạo ra sản phẩm du lịch mới...
Ngành du lịch của tỉnh Bình Định trong tháng 1 và tháng 2 đã bị sụt giảm khoảng 60% lượng khách và doanh thu. Thế nhưng, tình hình đã được cải thiện từ cuối tháng 2 đến nay, đặc biệt sau khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam xin ý kiến Chính phủ thành lập Liên minh kích cầu du lịch và bắt đầu thực hiện kích cầu du lịch tại Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk.
Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk hiện vẫn đang được xem là những điểm đến mới của ngành du lịch Việt Nam. Trong số đó, tỉnh Bình Định là địa phương có hạ tầng du lịch tốt nhất và có số lượng khách đến nhiều nhất nên sẽ đóng vai trò đầu mối kết nối các tỉnh còn lại nhằm đưa ngành du lịch trong nước vượt qua cơn khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, du khách đến với Bình Định đã có sự tăng trưởng mạnh trở lại gần đây, các chuyến bay nối Quy Nhơn và Hà Nội trở lại 8 chuyến/ngày và nối Quy Nhơn với thành phố Hồ Chí Minh đã lên 7 chuyến/ngày. Nhiều cơ sở, đơn vị du lịch, dịch vụ tham gia chương trình kích cầu du lịch.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nêu rõ Bình Định có thế mạnh về du lịch biển và du lịch tâm linh. Vấn đề là cần có sự tham gia chương trình kích cầu một cách đồng bộ từ phía các đơn vị, điểm đến; cần lưu ý là việc giảm giá để kích cầu phải đồng thời với sự giữ vững chất lượng dịch vụ.
Sự liên kết, kết nối giữa Bình Định và các địa phương còn lại cũng phải được thực hiện chặt chẽ và thống nhất./.