Phụ nữ Sán Dìu ở Quảng Ninh bảo tồn hát Sọong cô
Chị em phụ nữ Sán Dìu xã Bình Dân (Vân Đồn) trên đường đến hội hát soọng cô.
Ở Quảng Ninh, đồng bào Sán Dìu sinh sống tập trung nhất ở Vân Đồn, kế đến là Cẩm Phả, Hạ Long và Tiên Yên. Loại hình diễn xướng dân gian tiêu biểu nhất của người Sán Dìu là hát soọng cô. Soọng cô thực chất là loại hình hát đối đáp giao duyên, có không gian diễn xướng chủ yếu là trong các lễ hội như: Lễ đại phan (mừng cơm mới), lễ thượng điền, lễ hạ điền, các lễ ở đình làng, hội xuân..v.v.. Kể cả những nghi lễ trong sinh hoạt gia đình như: Mừng tân gia, đám cưới hỏi, trai gái người Sán Dìu cũng đều đến hát soọng cô chúc mừng.
Hát soọng cô còn gắn liền với đời sống lao động sản xuất. Những câu hát đối đáp nhắc nhở nhau chuyên cần lao động với lối ví tinh tế và lắng đọng trong tâm hồn người Sán Dìu. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, loại hình dân ca này lại đang đứng trước nguy cơ mai một.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh, lo ngại: Lớp người lưu giữ văn hóa dân gian ngày càng cao tuổi rồi sẽ già yếu và không còn nữa và thứ hai là thanh niên dân tộc Sán Dìu hiện nay không có nhiều người thực sự say mê tìm hiểu, lưu giữ vốn cổ dân tộc.
May mắn là những người phụ nữ Sán Dìu đa số là lớp trung niên đang ra sức bảo tồn loại hình dân ca độc đáo này. Nhiều câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian của người Sán Dìu được thành lập ở phường Hà Phong và xã Thống Nhất (TP Hạ Long), phường Quang Hanh và xã Cộng Hòa (Cẩm Phả), xã Bình Dân (Vân Đồn), xã Hải Lạng (Tiên Yên). Các CLB này đang tiếp tục kết nạp thành viên, mở rộng hoạt động và đã bước đầu khai thác được hàng trăm bài hát soọng cô.
Đơn cử như tại xã Bình Dân (Vân Đồn) hiện nay, các nghệ nhân hát soọng cô một cách thuần thục còn lại rất ít. Theo thống kê năm 2015, xã Bình Dân có trên 93% dân số là dân tộc Sán Dìu. Tuy nhiên, những người biết dân ca Sán Dìu lại thuộc lớp cao niên.
Trong xã có một số nghệ nhân như: Lục Thị Xìn, Từ Thị Mói, Trương Thị Chúc, Liêu Thị Mai, Liêu Thị Bé… là thế hệ người biết và thuộc nhiều các bài hát soọng cô đang tích cực truyền dạy, bảo tồn soọng cô. Thêm nữa, trong mấy năm gần đây những cán bộ phụ trách trong ban văn hóa xã Bình Dân hưởng ứng phong trào khôi phục, phục dựng, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Dìu họ đã ghi chép lại được khá nhiều các bài hát soọng cô xưa.
Xuất phát từ tình yêu vốn quý cha ông, bà Từ Thị Kém ở xã Bình Dân cùng với chị em trong xã đã xây dựng CLB hoạt động tự nguyện góp phần giữ gìn hát dân ca của người Sán Dìu.
Bà Kém là chủ nhiệm CLB đã cùng với các nghệ nhân từng bước truyền dạy lại cho thế hệ sau những làn điệu, câu hát mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Từ khi thành lập vào tháng 1/2016, CLB Hát soọng cô xã Bình Dân đã có 23 thành viên, trong đó có 3 người được công nhận nghệ nhân dân gian Việt Nam.
Theo bà Từ Thị Kém, việc tổ chức truyền dạy để thu hút thế hệ trẻ cần phải được tổ chức thành những lớp học bài bản. Thêm nữa, cũng cần kết hợp truyền dạy cho các thành viên trẻ tuổi của CLB và đưa loại hình dân ca này vào dạy ngoại khóa ở trường phổ thông để có thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Còn theo Thạc sĩ Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa Sán Dìu Việt Nam, mỗi cá nhân người Sán Dìu Quảng Ninh phải nhận thức được tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc để từ đó bảo tồn và phát huy các giá trị đó.
Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy cũng phải biết gạn đục khơi trong, giữ lấy những giá trị tích cực, loại bỏ những hủ tục làm sống dậy những mỹ tục như hát soọng cô, các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội mùa xuân..v.v..