Hoạt động của ngành

Văn Lãng (Lạng Sơn): Đánh thức tiềm năng du lịch

Cập nhật: 11/03/2020 08:18:04
Số lần đọc: 743
Văn Lãng được thiên nhiên ưu đãi có nhiều phong cảnh đẹp mang đặc trưng của núi rừng Việt Bắc cùng với nguồn tài nguyên văn hóa phong phú. Đó chính là điều kiện thuận lợi để huyện hình thành các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng của huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước đánh thức tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Là huyện miền núi, biên giới của tỉnh, Văn Lãng có tổng diện tích tự nhiên 563,3 km2, gồm 19 xã và 1 thị trấn (Na Sầm), trong đó có 5 xã biên giới  với đường biên giới dài hơn 36 km. Huyện có 3 cửa khẩu phụ (Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình), có chợ cửa khẩu Tân Thanh… với nhiều tiềm năng phát triển du lịch tham quan mua sắm.

Du khách tham quan chùa Tà Lài, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng

Cùng với đó, Văn Lãng hiện có 43 điểm, khu di tích, trong đó có 22 di tích lịch sử, 11 di tích danh lam thắng cảnh và 10 di tích kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt, có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ) và 8 di tích cấp tỉnh. Trên địa bàn huyện có 10 câu lạc bộ đàn tính hát then với trên 200 thành viên tham gia sinh hoạt. Thêm vào đó, đến với Văn Lãng vào mùa xuân, du khách sẽ được tham dự 45 lễ hội truyền thống độc đáo, đặc sắc. Ngoài ra, kho tàng văn hóa ẩm thực cũng rất phong phú đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là nguồn tài nguyên văn hoá phong phú, chứa đựng tiềm năng phát triển du lịch của huyện.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng của huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước khai thác, phát huy tốt tiềm năng du lịch của huyện. Đặc biệt, năm 2019, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 759/KH-UBND về phát triển du lịch huyện Văn Lãng, trong đó chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn các xã thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, phục vụ tốt các đoàn đến tham quan, du lịch… Theo đó, huyện đã chú trọng tập trung quảng bá những điểm du lịch tâm linh, du lịch mua sắm  tại các xã: Tân Mỹ, Tân Thanh, Hoàng Văn Thụ, thị trấn Na Sầm. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát các điểm du lịch tại xã Hoàng Văn Thụ (Khu lưu niệm Hoàng Văn Thụ, đập Nà Pàn,…), xã Bắc La (lòng hồ thủy điện Thác Xăng, danh thắng Thác Mây,…) nhằm xây dựng các tuyến du lịch, in tập gấp quảng bá các điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Đến nay, Văn Lãng đã hình thành 3 tuyến du lịch, trong đó có 2 tuyến trong huyện và 1 tuyến liên huyện, thành phố; toàn huyện có 9 cơ sở lưu trú, 10 nhà hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch gần xa đến với huyện. Năm 2019, lượng khách đến với huyện Văn Lãng đạt 30.000 lượt, tăng 18.000 lượt so với năm 2018, trong đó có khoảng 1.200 lượt khách quốc tế, tăng 700 lượt so với năm 2018, còn lại là khách nội địa đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm.

Chị Nguyễn Ngọc Diễm, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội chia sẻ: Cứ vào đầu năm, tôi cùng một số người bạn lại tổ chức đi lễ ở một số điểm tâm linh của huyện Văn Lãng như: chùa Tà Lài, chùa Tân Thanh,… Mỗi năm, tôi lại thấy cảnh quan sạch đẹp, khang trang hơn. Đặc biệt, tại đây không có hiện tượng trộm cắp, ăn xin chèo kéo khách nên tôi rất yên tâm.

Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Văn Lãng cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần truyền thông thời gian Việt xây dựng đề án phát triển du lịch của huyện trong năm 2020, lập trang web quảng bá các địa điểm du lịch đặc trưng của huyện. Bên cạnh đó, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện. Đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch của huyện đến đông đảo du khách xa gần, qua đó kêu gọi các doanh nghiệp du lịch đầu tư vào huyện.

HOÀNG HIẾU

 

Nguồn: baolangson.vn

Cùng chuyên mục