Hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa – Quảng Nam: Kết nối để nâng tầm giá trị!
Một góc Hội An yên bình.
Sự tương đồng
Thanh Hóa nằm ở cửa ngõ nối miền Bắc với miền Trung, trong khi Quảng Nam nằm ở gần “địa đầu” Nam Trung bộ. Dù khoảng cách địa lý tạo ra nhiều khác biệt, song không khó để tìm ra nhiều nét tương đồng của hai vùng đất. Với địa hình gồm miền núi, đồng bằng và ven biển, cả Thanh Hóa và Quảng Nam đều hội tụ đầy đủ các cảnh quan đẹp, đậm sắc thái vùng miền và là nguồn tài nguyên du lịch phong phú, giàu giá trị, có tiềm năng khai thác lớn.
Với độ dài 102 km, dọc đường bờ biển Thanh Hóa là một hệ cảnh quan thiên nhiên đa dạng, với những dãy núi đâm ngang tạo nên các vũng, các cửa lạch và xen kẽ là những bãi tắm đẹp nổi tiếng như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... Ngoài khơi lại được điểm tô bởi các đảo Hòn Mê, Hòn Nẹ, Nghi Sơn, tạo nên bức tranh thiên nhiên sinh động, hấp dẫn. Trong khi đó, chạy dọc suốt 150 km đường bờ biển Quảng Nam là một vệt dài những thắng cảnh, mà đẹp hơn cả phải kể đến các bãi biển An Bàng, Cửa Đại, bãi Ông, bãi Làng, bãi Tam Thanh, Bàng Than – vũng An Hòa và đặc biệt Cù Lao Chàm nổi tiếng là nơi cực kỳ xinh đẹp... Cùng với đó, di sản mà thiên nhiên ban tặng cho Thanh Hóa và Quảng Nam còn có hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, gắn với hệ sinh thái phong phú và nhiều thắng cảnh đẹp. Nếu Thanh Hóa có Bến En e ấp và nên thơ, Xuân Liên trữ tình và bí ẩn, Pù Luông hoang sơ và kỳ vĩ...; thì Quảng Nam có hồ Phú Ninh được ví như một “Hạ Long xanh” trên cao; có dòng Thu Bồn – Hòn Kẽm – Đá Dừng mơ hồ hư thực...
Có lẽ không quá khi nói, Thanh Hóa và Quảng Nam đều là cái nôi di sản, khi mà cả hai tỉnh đều có những di sản văn hóa thuộc tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Đồng thời, có một kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức phong phú, độc đáo và đậm đà bản sắc. Thanh Hóa được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của “tam vương, nhị chúa”, nơi mà những di sản của tiền nhân còn lưu dấu ấn đậm nét. Đó là Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - “kinh đô điển hình của một vương triều quân chủ Việt Nam”, hay “một mô hình kinh đô vừa mang một số đặc trưng chung của phương Đông, vừa mang tính truyền thống của quy mô kinh đô Việt Nam, vừa có nét khác biệt của một vương triều đang đẩy mạnh công cuộc cách tân đất nước”. Đó là Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, với các công trình lăng tẩm, miếu mạo, đền đài mang bóng dáng của lối kiến trúc làng xã Việt Nam truyền thống; cũng là nơi tỏa rạng hào khí Lam Sơn cho muôn đời. Đó còn là Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn và hang Con Moong – những di sản gọi tên lịch sử dân tộc và hành trình sinh tồn của con người trên dải đất hình chữ S này.
Quảng Nam vốn là một trong những thủ phủ của người Chăm. Cho nên, dấu ấn của nền văn hóa Chăm nổi tiếng lâu đời vẫn in đậm trên mảnh đất này, với kinh đô Trà Kiệu, Thánh địa Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương, tháp Bằng An, tháp Chiên Đàn, tháp Khương Mỹ... Trong đó, Di sản văn hóa thế giới Thánh địa Mỹ Sơn tráng lệ, uy nghiêm, huyền bí và mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa. Còn Di sản văn hóa thế giới Hội An không chỉ có nét dáng riêng, phong phú về loại hình kiến trúc và những giá trị độc đáo về lịch sử - văn hóa gần như được bảo tồn nguyên vẹn. Ngoài ra, quá trình đấu tranh sinh tồn, dựng xây cuộc sống, con người xứ Thanh và xứ Quảng còn sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, đặc biệt là hàng trăm lễ hội và làng nghề truyền thống nổi tiếng. Trong đó, nếu Thanh Hóa từng nức tiếng với đúc đồng Trà Đông, chiếu Nga Sơn, nhiễu Hồng Đô, nem chua Tào Xuyên, mộc Đạt Tài...; thì Quảng Nam nổi tiếng với mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, chiếu Bàn Thạch, tơ lụa Duy Trinh – Duy Xuyên, đúc đồng Phước Kiều – Điện Bàn...
Mở hướng hợp tác
Nếu sự tương đồng và đa dạng nguồn tài nguyên du lịch là nhân tố cần cho sự hợp tác; thì để sự hợp tác này đi vào thực chất và hiệu quả, yếu tố đủ là sự hoàn thiện của hạ tầng giao thông, viễn thông, cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch. Cả hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam đều nằm trên trục giao thông chính Bắc – Nam, có cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đây là những tuyến huyết mạch có ý nghĩa chiến lược trong giao lưu kinh tế; cũng là cơ sở quan trọng để thúc đẩy việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong khu vực miền Trung và cả nước. Đồng thời, cũng chính vì sự phát triển của đường xá, các phương tiện giao thông và thông tin, cũng giúp khách du lịch thuận tiện khi tham gia các tour dài ngày, với nhiều điểm đến và ở nhiều tỉnh/thành.
Trong du lịch, sự “cũ hóa” của sản phẩm, cũng như sự hạn chế cả về số lượng, chất lượng, sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch, là nguyên nhân khiến cho một địa phương, ở một thời điểm nhất định, khó có thể thỏa mãn được nhu cầu đa dạng của du khách trong tour dài ngày. Điều đó đặt ra yêu cầu cần làm mới tour, làm mới sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu “cung” của thị trường. Đồng thời, thôi thúc chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tìm kiếm cơ hội hợp tác và chia sẻ thị trường, du khách và sản phẩm du lịch. Tại nhiều diễn đàn về hợp tác phát triển du lịch khu vực miền Trung, một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã nhấn mạnh đến “Con đường di sản miền Trung” như một sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn. Bắt đầu từ Thanh Hóa với sự góp mặt Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, tiếp đến là Nghệ An với Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, rồi đến Quần thể Di tích cố đô Huế và Quảng Nam nổi bật với 2 Di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An, Khu Di tích Mỹ Sơn. Nếu được đầu tư khai thác và có sự kết nối chặt chẽ giữa các địa phương, đây chắc chắn sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn của khu vực miền Trung, trong đó có Thanh Hóa và Quảng Nam.
Có ý kiến cho rằng, quy luật về cung - cầu trong hoạt động kinh tế du lịch, đóng vai trò kích thích mạnh mẽ việc hợp tác, chia sẻ thị trường, du khách, đầu tư kết nối phát triển du lịch. Đồng thời, liên kết du lịch nhằm giảm yếu tố cạnh tranh và tăng yếu tố hợp tác chia sẻ lợi ích. Do đó, liên kết du lịch giữa các địa phương là sự phát huy, chia sẻ nguồn lực du lịch, nhằm tạo ra các tour mới, các chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, có tính hấp dẫn hơn. Đối với Thanh Hóa, việc đẩy mạnh hợp tác với Quảng Nam trong lĩnh vực du lịch sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đó là những bài học kinh nghiệm quý trong phát triển du lịch di sản, du lịch sinh thái cộng đồng và áp dụng những cách làm hay, sáng tạo của tỉnh bạn vào tình hình thực tế địa phương. Chẳng hạn như vài năm trở lại đây, Hội An ngày càng hấp dẫn nhờ việc “làm mới” sản phẩm và xây dựng thêm nhiều tour mới, như “Một ngày làm cư dân phố cổ”, “Một ngày trải nghiệm làm nông dân”... Tham gia các tour này, du khách sẽ được trực tiếp trải nghiệm đời sống và sản xuất với các gia đình nghệ nhân làng nghề (làm đèn lồng, làm gốm); hay cuốc đất trồng rau với người nông dân làng rau Trà Quế. Kinh nghiệm trong làm du lịch cộng đồng của Hội An là một ví dụ rất đáng để Thanh Hóa học hỏi và áp dụng.
Một dấu mốc khởi động cho sự hợp tác của hai tỉnh, trong lĩnh vực du lịch, phải kể đến chuyến công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, làm trưởng đoàn, diễn ra hồi đầu năm 2018. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Du lịch Quảng Nam, tham mưu cho lãnh đạo hai tỉnh tổ chức chương trình làm việc, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước, xây dựng sản phẩm du lịch và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch. Ngay sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Dự án “Làng bích họa Trường Lệ” tại TP. Sầm Sơn, dựa theo mô hình Làng bích họa Tam Thanh nổi tiếng của Quảng Nam. Đồng thời, giao UBND TP. Thanh Hóa xây dựng tuyến phố đi bộ phục vụ khách du lịch. Đến nay, các địa phương, đơn vị đang tích cực chuẩn bị các điều kiện, nhằm sớm triển khai thực hiện các dự án.
Tuy vậy, nếu dựa vào tiềm năng sẵn có và những mục tiêu kỳ vọng, thì sự hợp tác này cần phải đi vào chiều sâu, toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa. Đó là tìm được tiếng nói chung nhất quán giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, đơn vị và các doanh nghiệp của cả hai tỉnh. Từ đó, tạo ra sự thống nhất, đồng thuận trong triển khai các nội dung chương trình hợp tác và cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, việc liên kết hiện nay đang hướng mạnh đến liên kết chuỗi sản phẩm, từ khâu thiết kế tour, khai thác thị trường khách, phát triển dịch vụ gia tăng, đến quảng bá, xúc tiến. Trong đó, sự kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú, các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống, vận tải và các khu, điểm du lịch, được xem là nhân tố có tính quyết định đến hiệu quả hợp tác giữa các địa phương. Song, để các doanh nghiệp kết nối hiệu quả, thì cơ chế, chính sách cần thông thoáng, linh hoạt và thuận lợi. Từ đó, vừa thu hút các nguồn lực đầu tư vào du lịch, vừa khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chú trọng nhiều hơn để xây dựng sản phẩm, quảng bá, mở rộng thị trường khách và nâng cao chất lượng, quy mô, đẳng cấp của các loại hình dịch vụ.
Hợp tác trong phát triển du lịch, suy cho cùng là tạo ra một “không gian kinh tế du lịch” thống nhất, có sự kết nối chặt chẽ ở tất cả các khâu và trong từng sản phẩm. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, giá trị điểm đến cũng như thương hiệu du lịch của cả hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam.