Bến Tre: Hội thảo xây dựng điểm du lịch cù lao Ðất
Cù lao Đất có diện tích tự nhiên 218ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 84ha, 71,53ha nuôi trồng thủy sản. Ấp có 242 hộ và 1.051 nhân khẩu. Đời sống người dân chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và trồng vườn (chủ yếu là cây dừa). Nơi đây, cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng sông nước cù lao. Môi trường trong lành. Tài nguyên thiên nhiên đa dạng, với nhiều bãi bồi ven sông còn hoang sơ, kết hợp với văn hóa, lịch sử của cộng đồng. Các lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo như lễ hội Kỳ Yên tại các miễu. Đặc biệt, ấp An Bình được lịch sử ghi nhận là nơi trú ngụ của chúa Nguyễn Ánh trong quá trình trốn chạy bởi sự truy đuổi của quân Tây Sơn cũng như sự tích về cây thủy liễu (tên gọi khác là cây bần), phong tục tập quán, nếp sống dân dã của người dân nơi đây… Với những điều kiện này sẽ thuận lợi để cù lao Đất phát triển loại hình DL sinh thái sông nước kết hợp tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa.
Tuy nhiên, ấp An Bình vẫn còn những khó khăn như: các tuyến đường chính của cù lao nhỏ, các bến, bãi phục vụ DL, nhà máy nước sạch, nhà vệ sinh công cộng chưa được đầu tư. Sự hiểu biết về DL và những kỹ năng tạo ra sản phẩm DL của người dân còn nhiều hạn chế.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã An Hiệp nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ “Mời gọi doanh nghiệp và vận động người dân địa phương đầu tư loại hình DL homestay ấp An Bình”. Xã hướng đến tập trung phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển DL. Xã cũng đã xây dựng Đề án phát triển DL homestay, sinh thái cù lao An Bình. Theo đó, định hướng phát triển loại hình DL sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, DL trải nghiệm, DL vui chơi giải trí. Xây dựng các sản phẩm DL như: tham quan làng quê bằng xe đạp; chèo thuyền trong các con rạch nhỏ; khu hoạt động các loại hình nghệ thuật; dịch vụ câu cá, bắt cá giải trí; dịch vụ ăn uống; mua sắm, quầy hàng lưu niệm, khu vui chơi trẻ em, sinh hoạt tập thể, khu thể thao…
Đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ba Tri cho rằng, địa phương cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng của địa phương, các chương trình, đề án phát triển lĩnh vực hạ tầng phục vụ DL. Từ đó, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư, thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện tham gia đầu tư phát triển hạ tầng bằng hình thức đầu tư phù hợp; trong đó ưu tiên các lĩnh vực có thể xã hội hóa gắn với DL như thương mại, giáo dục. Đồng thời, thông qua sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư ngoài xã, ngoài huyện, ngoài tỉnh, nhất là các dự án có nhu cầu vốn lớn. Kết hợp khai thác có hiệu quả các nguồn thu hợp pháp trên địa bàn để đầu tư xây dựng hạ tầng. Xây dựng quỹ đất công để chuyển nhượng, thanh lý tạo nguồn vốn xây dựng hạ tầng.
Phòng Quản lý DL thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và DL cũng đã đưa ra các giải pháp cho phát triển DL An Bình. Trong đó, vận động, khuyến khích người dân địa phương tham gia kinh doanh các loại hình, dịch vụ phục vụ khách DL như kinh doanh các điểm tham quan, mua sắm, ăn uống, bán hàng lưu niệm. Đặc biệt, khuyến khích người dân tham gia đầu tư xây dựng các homestay. Từ đó, hình thành và tạo nên cộng đồng tham gia vào phát triển DL. Quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực DL của địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, lịch sự, văn minh, thân thiện với khách DL. Vận động người dân, cộng đồng dân cư và du khách nêu cao tinh thần và ý thức bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp.
Đại diện một số doanh nghiệp DL cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm trong vận hành hiệu quả hoạt động kinh doanh DL. Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tri Bùi Thành Dương đã ghi nhận những ý kiến đóng góp, các giải pháp từ hội thảo để làm cơ sở cho phát triển DL tại địa phương trong thời gian tới./.