Hoạt động của ngành

Nam Định: Phát triển kinh tế du lịch biển

Cập nhật: 24/11/2020 07:46:33
Số lần đọc: 766
Nam Định có bờ biển dài 72km với nhiều tiềm năng giá trị đã được đưa vào khai thác để phát triển kinh tế du lịch biển. Cụ thể đã hình thành các khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy). Khu vực ven biển còn có các làng nghề khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản với phong tục, tập quán sinh hoạt đậm nét văn hóa của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú là điểm Ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được đánh giá là điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn. Tuy nhiên, đến nay du lịch biển của tỉnh chưa thu hút được lượng khách như mong đợi, lượng du khách sử dụng dịch vụ lưu trú, mức chi tiêu của du khách thấp, đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế địa phương ở mức khiêm tốn.

Du khách trải nghiệm dịch vụ ngắm cảnh làng quê ven biển tại bãi biển Thịnh Long.

Trước thực trạng này, tỉnh định hướng các cấp, ngành, địa phương có biển phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế du lịch biển. Theo đó, để phát triển ngành du lịch biển, huyện Hải Hậu xác định giai đoạn 2020-2025 sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng tại bãi biển Thịnh Long, khu nhà thờ đổ xã Hải Lý. Tăng cường mối liên kết giữa các điểm du lịch biển với các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện, tỉnh; hình thành các tour du lịch biển, nghỉ dưỡng dài ngày kết hợp với các loại hình vui chơi, giải trí, thi đấu thể thao. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân sản xuất các sản phẩm phục vụ khách du lịch; tạo chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch, nhất là các sản phẩm hàng hóa du lịch từ tài nguyên biển, các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Huyện Nghĩa Hưng xác định phát triển kinh tế biển (trong đó có du lịch biển) trở thành vùng kinh tế động lực là 1 trong 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 của huyện. Quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện: Quy hoạch hai bên tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Quy hoạch hai bên tuyến đường bộ ven biển và cầu Thịnh Long đoạn qua Nghĩa Hưng; quy hoạch đô thị Rạng Đông. Thu hút mọi nguồn lực để xã hội hóa đầu tư hạ tầng kinh tế biển, triển khai xây dựng khu chức năng phía Nam và hình thành đô thị Rạng Đông theo hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Hình thành các tổ hợp đô thị - thương mại - du lịch - dịch vụ chất lượng cao, khu vui chơi giải trí, khách sạn, resort, sân golf... gắn với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Huyện Giao Thủy xác định giai đoạn 2020-2025 sẽ tập trung phát triển du lịch biển trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Khai thác có hiệu quả các điểm du lịch hiện có như Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Bảo tàng Đồng quê... Nâng cấp khu du lịch Quất Lâm trở thành khu du lịch cấp tỉnh. Tổ chức kết nối các điểm du lịch thành các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn huyện trong quan hệ hợp tác liên vùng. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong. Phấn đấu giai đoạn 2020-2025 ngành du lịch biển của huyện bình quân đón 550 nghìn lượt khách/năm; doanh thu du lịch bình quân đạt 200 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương, tỉnh cũng chủ động xác định lộ trình, phương án huy động, sắp xếp nguồn lực để phát triển vùng kinh tế biển và thúc đẩy, khai thác tối đa tiềm năng du lịch biển theo quy mô liên vùng, bao trùm cả 3 địa phương có biển. Trong đó, chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch; khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương trong mối tương quan với du lịch của vùng. Trong Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 12-10-2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy xác định: Tập trung triển khai Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ thành trung tâm lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng; tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Xây dựng và phát triển các đô thị ven biển (Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông), trong đó xây dựng đô thị Thịnh Long - Rạng Đông trở thành thành phố trung tâm phía tây nam của tỉnh với chức năng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Từng bước xây dựng không gian kinh tế liên kết khu vực biển huyện Nghĩa Hưng gồm đô thị Rạng Đông Thịnh Long - KCN Dệt may Rạng Đông - Khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông theo hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Tiếp tục đầu tư và hoàn thành các tuyến đường giao thông quan trọng, huyết mạch kết nối khu kinh tế biển của tỉnh với các khu du lịch trong vùng. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các trung tâm vui chơi, giải trí để khai thác những điều kiện, lợi thế về cảnh quan, sinh thái, các giá trị văn hoá, tâm linh; cải tạo, nâng cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu du lịch truyền thống. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động phát triển du lịch; có chế độ ưu đãi phù hợp để thu hút nhân lực du lịch có trình độ cao, chuyên nghiệp về công tác tại địa phương; ưu tiên nguồn nhân lực là người dân địa phương phục vụ du lịch cộng đồng. Tạo điều kiện để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, áp dụng các giải pháp và công nghệ du lịch thông minh để cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm của khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của ngành. Nâng cấp trang thông tin điện tử về du lịch Nam Định; kết hợp sử dụng các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Youtube, Facebook, Instagram... để xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu du lịch biển Nam Định. Đổi mới cách thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến và quảng bá du lịch trong và ngoài nước, đảm bảo tính thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả, giới thiệu được các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của địa phương đến du khách và nhà đầu tư; chú trọng kết hợp nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm với các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch biển để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch trong giai đoạn mới./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 

Nguồn: Báo Nam Định

Cùng chuyên mục