Trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng Di tích lịch sử
Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Tháng 11/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng hai di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, đó là trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố và đình Thần Linh Đông (quận Thủ Đức).
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng xếp hạng thêm 6 di tích, trong đó có 2 di tích lịch sử và 4 di tích kiến trúc nghệ thuật; nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn thành phố lên 185 di tích.
Các di tích được xếp hạng đều có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, thể hiện sự tài hoa, trí sáng tạo, đức tính cần cù, tinh thần anh dũng hy sinh của nhân dân ta, là bằng chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, các di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố gồm: Khu tưởng niệm bộ đội An Điền và cán bộ, chiến sỹ, nhân dân hy sinh tại đồng Bưng Láng Sấu (ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh); đình Thái Bình (khu phố Thái Bình 1, phường Long Bình, quận 9). Ba di tích được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật gồm: Miếu Sa Tân (46, đường Trần Bá Giao, phường 5, quận Gò Vấp); đình Bình Trị Đông (số 2A, đường Lê Đình Cẩn, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) và chùa Từ Quang (số 60/1 tổ 12, khu phố 2, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn).
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho rằng, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân.
Các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được hình thành trong suốt quá trình khai phá, xây dựng và phát triển của vùng đất Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, là một bộ phận của di sản văn hóa Việt Nam, là tài sản vô giá của quốc gia, bản sắc văn hóa, nguồn lực của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.
Ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh: Qua các di tích, chúng ta có thể nhận ra trình độ phát triển trong quá khứ, tìm thấy những giá trị lịch sử, văn hóa vật chất và tinh thần hàng trăm năm, ngàn năm chưa phai nhạt. Di tích còn là minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Theo ông Lê Thanh Liêm, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm đến công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn thành phố. Giá trị to lớn của di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia nói chung, cấp thành phố nói riêng luôn được các cấp, các ngành và người dân thành phố quan tâm lưu giữ, bảo vệ và phát huy trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.
Vinh dự đón nhận bằng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, đại diện các đơn vị quản lý di tích cam kết sẽ tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ để giữ gìn, bảo tồn và phát huy thật tốt giá trị của di tích lịch sử-văn hóa này.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Sở sẽ tập trung nâng cao nhận thức của xã hội về di sản văn hóa thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm di sản văn hóa.
Sở cũng tăng cường hiệu quả công tác quản lý, tu bổ, tạo điều kiện cho các bảo tàng trưng bày, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục trải nghiệm có sức hút khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ./.