Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: “Văn hóa - di sản - ẩm thực”, thương hiệu du lịch cần nắm bắt

Cập nhật: 20/11/2020 09:34:05
Số lần đọc: 1187
Việt Nam vừa “thắng lớn” tại Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 27 (WTA) với 3 hạng mục. Điều đặc biệt là ở cả 3 giải thưởng này, Huế đều được ghi nhận sự đóng góp quan trọng bằng thế mạnh “văn hóa - di sản - ẩm thực”.

Những lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống luôn có sức hút với du khách.

Lợi thế được định danh

Sở Du lịch cho biết, Tổ chức World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) vừa công bố bình chọn Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 27 – năm 2020 (WTA). Việt Nam vinh dự được bình chọn ở 3 giải thưởng là “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á”.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam được bình chọn ở cả 3 hạng mục này tại sự kiện được đánh giá là “Oscar của ngành du lịch thế giới”. Tổng cục Du lịch nhìn nhận, một lần nữa, văn hóa, di sản, ẩm thực lại là những yếu tố nổi trội mang lại những giải thưởng quốc tế danh giá cho du lịch Việt Nam. Để đạt được những giải thưởng này, phải kể đến những điểm đến, địa phương có thế mạnh. Huế có những đóng góp quan trọng khi là điểm đến nổi bật, có văn hóa độc đáo; hệ thống di sản đồ sộ, ẩm thực đa dạng, phong phú từ cung đình đến dân gian, đường phố.

Thế mạnh về văn hóa -  di sản và giờ có thêm ẩm thực của Huế đang dần được khẳng định vị trí, không chỉ trong nước mà đang từng bước định danh trên bản đồ du lịch thế giới.

Có ý kiến cho rằng, văn hóa và nhất là di sản của Huế đã quá “cũ”, quá quen thuộc nên Huế cần thay đổi bằng tập trung phát triển những sản phẩm mới. Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần khẳng định, định hướng xuyên suốt trong phát triển của du lịch Huế là lấy văn hóa – di sản làm cốt lõi và phát triển thêm những sản phẩm mang tính bổ trợ để làm phong phú cho du lịch Huế.

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã xác định và khẳng định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với quan điểm và mục tiêu xuyên suốt là xây dựng Thừa Thiên Huế dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả, bền vững để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, góp phần vào xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, định hướng phát triển và thương hiệu du lịch Huế không nên bàn cãi. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch luôn có tính vận động thay đổi liên tục. Văn hóa – di sản Huế cũng thế, cần làm mới liên tục dựa trên nền tảng cốt lõi để luôn tạo ra khám phá, trải nghiệm mới liên tục. Điều này là yếu điểm mà du lịch bắt buộc phải thực hiện trong lộ trình phát triển lâu dài. Ngoài văn hóa - di sản, ẩm thực Huế là thế mạnh mới sẽ được đầu tư phát huy, xây dựng thương hiệu kinh đô ẩm thực Việt, “bếp ăn” của cả nước và thế giới.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch phân tích, việc đạt được những giải thưởng và được “xướng tên” trong những điểm đến nổi bật của Việt Nam sẽ giúp hình ảnh du lịch Huế đi xa và sâu vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới mà ngành du lịch Huế muốn hướng đến. Lâu nay, việc quảng bá đến các thị trường như Tây Âu - Bắc Mỹ là không hề dễ bởi cần kinh phí và tần xuất dày.

Tận dụng ngoại lực, phát huy nội lực

Theo Tổng cục Du lịch, những năm qua, du lịch văn hóa – di sản luôn là một trong những loại hình hấp dẫn nhất, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần mang lại sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Hiện Tổng cục Du lịch đang xây dựng đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”. Đề án này đang tập trung phát triển trên 2 lĩnh vực có thế mạnh của nước ta là ẩm thực và di sản. Với mục tiêu hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (ngày 10/11/2020), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời chất vấn về một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý của ngành. Bộ trưởng khẳng định: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống là sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến nghệ thuật truyền thống và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu về chính sách nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Những định hướng phát triển của du lịch Việt Nam, Huế đều đang sở hữu và được ghi nhận là “điểm sáng” nhất trong một vùng sáng điểm đến. Vấn đề đặt ra là Huế sẽ tận dụng lợi thế bên ngoài và phát huy nội lực bên trọng như thế nào để trở thành điểm đến “đinh” trong hành trình khám phá, trải nghiệm văn hóa Việt Nam của du khách quốc tế.

Ông Lê Hữu Minh cho hay, thời gian đến, công việc bắt buộc phải được triển khai là tiếp tục công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các giá trị, công trình di sản, văn hóa, di tích lịch sử làm phong phú, đa dạng, hấp dẫn cho việc phát huy, phát triển phục vụ kinh tế du lịch. Bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa vật thể trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị; trọng tâm là đầu tư hoàn chỉnh một số khu vực trọng điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế.../.

Bài, ảnh: Đức Quang

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục