Hoạt động của ngành

Mở lối phát triển du lịch tại Khánh Sơn (Khánh Hòa)

Cập nhật: 20/11/2020 09:40:43
Số lần đọc: 1238
Sau một thời gian dài, những tiềm năng, thế mạnh của huyện Khánh Sơn đối với hoạt động du lịch dường như bị lãng quên. Đến nay, với những nỗ lực đánh thức, du lịch nơi đây đã có bước chuyển mình và hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch xứ Trầm Hương.

Đánh thức vẻ đẹp miền sơn cước

Những năm gần đây, huyện Khánh Sơn đã thực hiện hàng loạt các hoạt động nhằm tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người địa phương đến với du khách. Những tấm pano khổ lớn về thắng cảnh thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) đã được dựng lên ở những vị trí phù hợp, cùng với đó là hệ thống bảng chỉ dẫn điểm du lịch cũng được đặt ở dọc tuyến Tỉnh lộ 9. Huyện đã phối hợp với một số cơ quan báo chí thực hiện các bài viết, phóng sự truyền hình giới thiệu về tiềm năng du lịch, vùng đất con người Khánh Sơn. Bên cạnh đó, địa phương cũng phối hợp hoặc đăng cai tổ chức một số sự kiện văn hóa, thể thao như: Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội thao các dân tộc thiểu số tỉnh, Liên hoan văn hóa Raglai… Đặc biệt, năm 2019, huyện đã tổ chức thành công Lễ hội trái cây lần thứ nhất, thu hút hơn 10.000 lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu, thưởng thức các loại nông sản đặc trưng và bản sắc văn hóa địa phương. Trang tin điện tử du lịch Khánh Sơn được duy trì đã góp phần đưa hoạt động văn hóa, du lịch nơi đây đến du khách gần gũi, sinh động hơn.

Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Raglai tại Khánh Sơn được gìn giữ, phát huy.

Huyện Khánh Sơn cũng đã tiến hành đầu tư xây dựng các hạng mục công trình kỹ thuật tại khu vực thác Tà Gụ với tổng vốn hơn 8,5 tỷ đồng. Trong đó, dự án nâng cấp đường vào khu du lịch thác Tà Gụ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Địa phương cũng đã xây dựng điểm dừng chân Đỉnh Đèo với diện tích 1,5ha, nhằm tạo điều kiện cho du khách có nơi nghỉ ngơi, tìm hiểu những nét văn hóa, địa danh, đặc sản của huyện. Đồng thời, cải tạo cảnh quan tại cua Cây Da (xã Ba Cụm Bắc), dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Công trình Quảng trường 20-11 giữa lòng thị trấn Tô Hạp đã được hoàn thành, trở thành địa điểm thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, sinh hoạt. Ngoài ra, huyện còn thực hiện dự án khôi phục đàn đá Khánh Sơn; xây dựng bia chiến thắng trận Thiềm Đầu Thủy; thành lập các đội văn nghệ người dân tộc Raglai ở các xã, thị trấn... để tôn vinh, gìn giữ những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Nhằm làm đẹp cảnh quan và tạo điểm nhấn về mặt hình ảnh, huyện đã triển khai dự án trồng hoa tại các con đường chính ở thị trấn Tô Hạp. Những loại hoa theo mùa phù hợp với điều kiện khí hậu nơi đây như: Mai anh đào, mimosa, tường vy, muồng anh đào, hoa gạo, phượng vĩ, cây lá phong Nhật Bản… đã được trồng ở nhiều nơi nhằm điểm tô cho vẻ đẹp phố núi.

Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, với rất nhiều nỗ lực, hoạt động du lịch ở Khánh Sơn đã có những tín hiệu khả quan. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có 2.500 lượt du khách đến với Khánh Sơn. Địa phương đã phối hợp với một số công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Tháng 6-2020, cơ sở lưu trú đầu tiên trên địa bàn huyện - khách sạn Khánh Việt đã được đưa vào phục vụ du khách. Ngoài ra, một số hộ gia đình, các nhà vườn đã bắt đầu nhận phục vụ du khách tham quan, lưu trú. Hệ thống nhà hàng, dịch vụ vận chuyển, nguồn nhân lực đã có thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của du khách.

Hướng tới du lịch xanh

Khánh Sơn là miền đất hội tụ đầy đủ tài nguyên thiên nhiên, thế mạnh văn hóa bản địa, truyền thống lịch sử để góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch tỉnh Khánh Hòa.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch, huyện Khánh Sơn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh. Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào Raglai là điều kiện tốt để phát triển du lịch cộng đồng. Du khách có thể tham quan tìm hiểu đời sống văn hóa, tập quán sản xuất của người dân tộc bản địa kết hợp thưởng thức các loại nông sản có thương hiệu như: Sầu riêng, mía tím, chôm chôm, mít nghệ, bưởi da xanh... ngay tại các nhà vườn. Đồng bào nơi đây còn giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống cũng là điều kiện cần thiết để chế tác các mặt hàng lưu niệm độc đáo. Buổi tối, du khách có thể giao lưu văn hóa với người dân địa phương ở nhà dài, hoặc tìm hiểu về những loại nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Raglai như đàn đá, đàn chapi, mã la…

Mới đây, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch ANEX Việt Nam đã đặt vấn đề đầu tư tại Khánh Sơn 2 dự án gồm: Khu du lịch Đồi thông (giữa xã Sơn Bình và xã Sơn Hiệp), Khu du lịch sinh thái thác Tà Gụ. Nếu trở thành hiện thực, đó sẽ là cú hích đối với du lịch của địa phương. Tuy nhiên, để hoạt động du lịch ở Khánh Sơn không chỉ dừng lại ở mức khởi phát, địa phương vẫn cần có những sự quan tâm đầu tư về nguồn lực, hệ thống giao thông, cơ sở dịch vụ lưu trú, liên kết hình thành điểm đến của tour du lịch… Đặc biệt, địa phương cần có quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ các tài nguyên du lịch, hệ sinh thái rừng tự nhiên, bản sắc văn hóa đồng bào địa phương. “Chúng tôi mong muốn tỉnh sớm đưa huyện Khánh Sơn vào quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh; tạo điều kiện thực hiện các chính sách ưu đãi để xây dựng, triển khai dự án cho phát triển du lịch như: Hỗ trợ cho địa phương nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng tham gia và làm chủ hoạt động du lịch; liên kết với các công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh”, ông Nguyễn Văn Nhuận kiến nghị.

Đến năm 2025, Khánh Sơn phấn đấu thu hút khoảng 15.000 lượt khách du lịch và duy trì mức tăng trưởng bình quân từ 15%/năm; có thêm từ 2 đến 3 cơ sở lưu trú đạt chuẩn. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng Khu du lịch sinh thái thác Tà Gụ; xây dựng Khu du lịch sinh thái Hòn Quy - Ko Róa (xã Sơn Lâm) với các dịch vụ thể thao ngoài trời; xây dựng Làng văn hóa Hòn Dung (xã Sơn Hiệp) mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai… Đồng thời, liên kết phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh: Nha Trang - Khánh Vĩnh - Khánh Sơn; Cam Ranh - Khánh Sơn; hình thành các sản phẩm du lịch gắn liền với phát triển các làng nghề truyền thống, các bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, các sản phẩm nông sản đặc trưng.


Giang Đình

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Cùng chuyên mục