Hoạt động của ngành

Đắk Nông đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu

Cập nhật: 25/11/2020 08:49:23
Số lần đọc: 841
Tối 24/11, tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức khai mạc Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II-2020 và đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.


Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam trao Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cho lãnh đạo tỉnh.

Sau phần khai mạc, các đoàn nghệ thuật, diễn viên, nghệ nhân đến từ 15 tỉnh, thành phố trong cả nước đã phô diễn nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo của các dân tộc, trong trang phục bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, trên nền thổ cẩm đa sắc, với hoa văn đặc trưng của dân tộc mình…

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, thổ cẩm là một trong những nét văn hóa tạo nên tính đặc trưng của từng tộc người, là gia tài văn hóa mà các nghệ nhân qua nhiều thế hệ đã chắt chiu sáng tạo, chứa đựng nhiều tín ngưỡng, quan niệm sống, tư duy, thẩm mỹ, mang nét văn hóa đặc trưng truyền thống riêng của từng dân tộc. Trong xu thế xã hội ngày càng phát triển, quá trình giao lưu văn hóa với các tộc người đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, văn hóa thổ cẩm truyền thống đang dần bị mai một.

Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thổ cẩm, để loại hình văn hóa này được lưu truyền và từng bước tạo nên biểu tượng văn hóa của cộng đồng ngày càng trở nên cấp bách. Việc bảo tồn và phát triển thổ cẩm không chỉ vì mục đích phát triển kinh tế, giảm nghèo mà đó còn là sứ mệnh đối với một phần di sản quan trọng và thiêng liêng đã được truyền qua nhiều thế hệ. Chính thổ cẩm cũng góp phần làm nên tình đoàn kết, sự đa dạng về bản sắc văn hóa và lịch sử của 54 dân tộc anh em; là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế; tượng trưng cho nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng, làm nên sắc thái riêng cho từng dân tộc.

Theo đánh giá của ban tổ chức, lễ hội văn hóa thổ cẩm là dịp để quảng bá, giới thiệu và khắc họa đậm nét dấu ấn văn hóa thổ cẩm trong lòng du khách trong nước và quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các dân tộc thiểu số trong cả nước có cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm cải tiến, nâng cao hiệu quả nghề dệt thổ cẩm. Lễ hội cũng là dịp để tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm thổ cẩm, định hướng phát triển thị trường thổ cẩm, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến tạo sản phẩm du lịch thương hiệu cho thổ cẩm Đắk Nông.

Tại lễ khai mạc, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã trao Danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cho tỉnh. Đồng thời, ông Michael Croft nhấn mạnh, Công viên Địa chất Đắk Nông, Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang và Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng tỉnh Cao Bằng là ba trong số 10 công viên địa chất toàn cầu tại Đông - Nam Á. Những công viên địa chất như Đắk Nông là một cách tiếp cận tổng hợp, vừa bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất và văn hóa, vừa thúc đẩy các cơ hội về giáo dục cũng như các hoạt động về kinh tế nhằm hỗ trợ cộng đồng tại địa phương. Bên cạnh đó, sự đa dạng và phong phú về giá trị địa chất nổi bật của Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông không chỉ nói lên vẻ đẹp thiên nhiên, mà chính là yếu tố hình thành nên lịch sử, văn hóa của vùng đất Đắk Nông.

Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Về địa giới hành chính, Công viên Địa chất Đắk Nông nằm trải dài trên 6/8 huyện, thành phố bao gồm các huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa.

Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, toàn bộ Công viên Địa chất Đắk Nông hiện có khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm: Hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước. Nơi đây có hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông - Nam Á với 50 hang động, tổng chiều dài hơn 10.000 m. Công viên địa chất Đắk Nông còn có nhiều nét độc đáo về văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa như M’Nông, Mạ, Ê Đê…

CHẤN HƯNG
Nguồn: NDĐT

Cùng chuyên mục