Kon Tum bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có cống hiến tiêu biểu về bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Bình, Đề án Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020 đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là đối với một bộ phận thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức và sự tự giác về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020 và mở rộng đối tượng của đề án đến các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Kon Tum phấn đấu đến năm 2021, 100% làng đồng bào các dân tộc tại chỗ trên địa bàn toàn tỉnh có cồng chiêng; 100% cán bộ văn hóa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn cồng chiêng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hóa tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2021-2025;” Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí trong công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum; các chương trình, dự án, đề án của tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các chương trình, dự án, đề án của Chính phủ, của Bộ ban hành.
Tỉnh Kon Tum hiện có 534 đội nghệ nhân cồng chiêng được các làng đồng bào dân tộc thiểu số tự xây dựng.
Tỉnh cũng đã thành lập hai Câu lạc bộ văn hóa dân gian của dân tộc Ba Na (nhóm Rơ Ngao) tại làng Kon Trang Long Loi (huyện Đắk Hà) và dân tộc Xơ Đăng (nhóm Tơ Drà) tại làng Kon Klốk (huyện Đắk Hà).
Đặc biệt, Câu lạc bộ văn hóa dân gian làng Kon Trang Long Loi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là Câu lạc bộ văn hóa dân gian điểm của Trung ương.
Hiện, các Câu lạc bộ đều hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác truyền dạy, bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ, là hạt nhân nòng cốt tham gia các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và Trung ương.
Giai đoạn 2016-2020, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động như Tháng Ba, mùa con ong đi lấy mật-Tây Nguyên đại ngàn; tham gia các hoạt động văn hóa, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-di sản văn hóa Việt Nam;” ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc; Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã phục dựng nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Lễ ăn lúa mới của dân tộc Brâu; lễ bắc máng nước và lễ kiêng làng của dân tộc Xơ Đăng; lễ Kâm Bul (cầu an) của dân tộc Gia Rai; lễ ăn than của dân tộc Giẻ-Triêng; lễ cầu an của dân tộc Ba Na...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cũng tổ chức các hoạt động như: Tuần lễ Văn hóa, Du lịch, Liên hoan cồng chiêng, Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc… Các hoạt động này thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân cũng như du khách trong và ngoài nước về tham dự, tìm hiểu.
Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có cống hiến tiêu biểu, xuất sắc trong việc bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020./.